Cần đẩy mạnh kinh tế báo chí trong tình hình mới
“Nghịch lý” của doanh thu báo chí
Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí có vai trò quan trọng với sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, tạo nội lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, trong 2 năm qua, báo chí cả nước đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, doanh thu báo chí lại ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên.
Theo thông tin từ Cục Báo chí (Bộ TT&TT), kết quả khảo sát 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), tổng doanh thu đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu các cơ quan báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Trong khi đó, Thống kê đến tháng 7/2022, sau dịch COVID-19, lượng truy cập vào các báo điện tử đã có xu hướng tăng so với tháng 6/2022, như: Báo Lao động tăng 16,23%, Báo điện tử Thanh niên tăng 11,2%, Báo điện tử VietNamNet tăng 5,81%, Báo điện tử VnExpress tăng 3,22%, Báo điện tử Dân trí tăng 2,34%, Báo điện tử Tuổi trẻ tăng 1,97%, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến tăng 0,53%...
Ảnh minh họa.
Thực tế cho thấy, nguồn thu của hoạt động kinh tế báo chí chủ yếu dựa vào nguồn thu từ quảng cáo. Trước đây, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí thường chiếm trên 60%, cá biệt, có cơ quan chiếm đến 90% tổng thu, thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in; thu quảng cáo từ báo chí điện tử dù có tăng, nhưng chưa có sự đảm bảo bền vững. Ngay cả báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện việc thu phí nội dung từ đọc giả (từ 2018), thì doanh thu từ nguồn này cũng chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng thu.
Do đó, nếu không có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề, thì các cơ quan báo chí luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, bởi sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như Facebook hay Google có lượng người theo dõi khổng lồ hơn nhiều, sẽ là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp cho việc quảng cáo nên nền tảng số. Thêm vào đó, nhiều trang tin, mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc từ các cơ quan báo chí cũng góp phần thu hút doanh thu quảng cáo, thị phần quảng cáo của các cơ quan báo chí vốn ngày càng teo nhỏ càng bị cạnh tranh khốc liệt.
Có thể nói, chủ trương chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, phù hợp xu hướng thời đại. Tuy nhiên, khi chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ không gian mạng; vấn đề thu hút đọc giả trước những thay đổi hành vi của đọc giả do công nghệ làm báo mới; việc định hướng dư luận xã hội, phát huy vai trò “dòng chảy chính” trong bối cảnh thiếu nguồn lực.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau quy hoạch giai đoạn 1, đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 có 195 cơ quan báo thì năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (tương đương 36%); không còn cơ quan báo thuộc các Hội, Hiệp hội.
Từ năm 2020 - 9/2022, Bộ TT&TT đã thu hồi giấy phép hoạt động của 184 cơ quan báo chí (trong đó có 69 báo, 115 tạp chí) do giải thể, chuyển cơ quan chủ quản, chuyển đổi mô hình, sáp nhập, chấm dứt hoạt động để thực hiện quy hoạch báo chí. Đến tháng 12/2022, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.
Giai đoạn 2 của quy hoạch, Bộ TT & TT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đưa ra những giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển đúng hướng, trong đó chú trọng giải quyết căn cơ câu chuyện kinh tế báo chí và chuyển đổi số báo chí; tập trung cho các đề án xây dựng hệ thống các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia; củng cố phát triển hệ thống các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội...
Theo đó, sẽ đẩy mạnh sử dụng các công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung, tạo ra một tòa soạn, tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện; kết nối thuận tiện với đọc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội. Đồng thời, gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới…
Theo chia sẻ của Cục Báo chí, để chuyển đổi mô hình doanh thu, các tòa soạn cần nâng cao chất lượng nội dung, giảm chi phi phí vận hành, sản xuất, phân phối. Cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu, hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin; xây dựng mô hình quảng cáo hiệu quả; ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, vận hành, sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới đọc giả. Bên cạnh đó, cần công nghệ, giải pháp, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông; quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí, tạo ra sức mạnh giúp cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và trên thế giới.
Để tạo thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí, Cục Báo chí cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm phát triển báo chí “chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí theo tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025. Cơ quan chủ quản cần xây dựng lộ trình tự chủ các cơ quan báo chí phù hợp với quy hoạch; quan tâm, tạo cơ chế, giao nguồn lực để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, trong các hoạt động kinh tế báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới. Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí càn quan tâm hơn nữa đến hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí.
Cơ quan chủ quản cần tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, bố trí kinh phí, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đẩy mạnh phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn.
Đổi mới nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, kinh tế báo chí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao; thường xuyên đổi mới sản xuất theo xu hướng báo chí số với mục tiêu lấy “bạn đọc là trung tâm”.