Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Góp ý vào dự thảo nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ tăng thuế với một số mặt hàng, nhưng cũng có những quan ngại về việc mở rộng đối tượng chịu thuế, đặc biệt là việc bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, do chưa có những cơ sở khoa học và thực tiễn thuyết phục cũng như đánh giá tác động toàn diện của việc bổ sung này.
Quang cảnh hội thảo
Ngày 5/7 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhằm thảo luận giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là cần thiết, nhưng cần phải xem xét một số nội dung mới của dự luật này, trong đó nội dung còn nhiều băn khoăn là việc bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, cụ thể là tình trạng thừa cân béo phì (TCBP). Tuy nhiên, trong buổi thảo luận góp ý hoàn thiện dự thảo, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của công cụ thuế này.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trình bày tham luận tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ lý do gây ra TCBP là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Bên cạnh những nguyên nhân về dinh dưỡng, TCBP còn được bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi tác, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hay các yếu về gen di truyền hoặc nội tiết tố.
Về chế độ dinh dưỡng, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho rằng tình trạng TCBP có nguyên nhân từ việc gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo và đường. Điều này có thể được hiểu rằng bên cạnh đồ uống có đường, các thực phẩm có khả năng gây thừa cân béo phì đến từ các thực phẩm giàu chất béo và các thực phẩm có đường khác nữa.
Tại Việt Nam, nước giải khát có đường chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng số năng lượng đưa vào cơ thể. Theo số liệu từ Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, tổng nguồn năng lượng từ các thực phẩm và đồ uống có chứa đường vào cơ thể chỉ chiếm trung bình 3.6%, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%).
Vì vậy, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ không thể giải quyết được vấn đề thừa cân, béo phì trong bối cảnh có nhiều các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calo trên thì trường.
Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ quan điểm tại hội thảo.
Nhấn mạnh quan điểm trên, Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho rằng dự thảo cần cân nhắc yếu tố công bằng giữa các ngành hàng. Hiện nay, dự thảo đang tạo ra sự phân biệt đối xử thông qua việc tập trung vào đồ uống có đường mà bỏ qua các thực phẩm có đường khác hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây hại sức khoẻ khác, ông Trung chia sẻ.
Dựa trên khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11 g/100 ml; trong khi đó lượng đường trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo là khoảng 29g/ 100g, trong đó một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g. Hàm lượng năng lượng có trong 100 gam các thực phẩm phổ biến cũng đều ở mức tương đương hoặc cao hơn năng lượng trung bình có trong một chai NGK có đường 330ml, ví dụ như ức gà (165 kcal), cá hồi (208 kcal), thịt bò (250 kcal), cá ngừ (129 kcal) so với ngưỡng 138 kcal trên một lon/chai nước ngọt.
Bên cạnh đó, các loại đồ ăn nhanh cũng đóng góp lớn vào hàm lượng năng lượng nạp vào với mức trung bình 274 kcal cho 100 gam khoai tây chiên hay 550 kcal cho 100 gam snack khoai tây. Các loại bánh ngọt phổ biến trên thị trường như bánh bông lan trứng muối có hàm lượng năm lượng rất cao với trung bình 340 kcal cho 100 gam thành phẩm.