Dầu ăn đã qua sử dụng - Nguyên liệu đầu vào triển vọng cho nhiên liệu sinh học
Euglena là một công ty công nghệ sinh học có trụ sở ở Tokyo, chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làm từ vi tảo. Khi mới thành lập vào năm 2005, công ty chủ yếu nuôi cấy vi tảo ngoài trời để làm thực phẩm.
Năm 2010, Euglena bắt đầu chuyển sang lĩnh vực nhiên liệu sinh học bằng cách hợp tác với các công ty khác để nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo Euglena – một loại sinh vật đơn bào nước ngọt có thể tăng gấp đôi số lượng chỉ trong một ngày bằng cách phân chia tế bào và có khả năng hấp thụ CO2 bằng quá trình quang hợp.
Nhiên liệu sinh học từ dầu ăn sẽ giải được hai bài toán cho môi trường.
Bước tiến lớn đầu tiên của Euglena trong lĩnh vực đầy mới mẻ này là hoàn thành việc xây dựng nhà máy thí điểm sản xuất nhiên liệu sinh học ở quận Tsurumi, thành phố Yokohama, vào tháng 11/2018.
Tháng 4/2020, nhà máy bắt đầu sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ mới mang tên "SUSTEO". Trước đó ba tháng, SUSTEO đã được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế ASTM D7566 dành cho công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học dành cho máy bay.
Ông Korehiro Odate, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng của Euglena, nói: “Công ty chúng tôi sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất dầu và xăng sinh học thế hệ mới từ dầu ăn đã qua sử dụng và dầu thực vật. Hiện nay, hệ thống sản xuất nhiên liệu sinh học từ dầu thải của chúng tôi là duy nhất tại Nhật Bản và có công suất 125 kilolít/năm”.
Điểm đặc biệt của SUSTEO là loại nhiên liệu sinh học này được sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng và dầu chiết xuất từ vi tảo Euglena. Vì vậy, việc sử dụng SUSTEO không gây ra các quan ngại về an ninh lương thực và tình trạng phá rừng như các loại nhiên liệu sinh học khác.
Bên cạnh đó, khác với các loại nhiên liệu sinh học thông thường, SUSTEO có cấu trúc phân tử hoàn toàn giống với dầu diesel được làm từ dầu mỏ có bán trên thị trường nên không gây ra các vấn đề cho động cơ trong quá trình sử dụng và không đòi hỏi các biện pháp an toàn đặc biệt. Ngoài ra, do SUSTEO có nguồn gốc từ thực vật nên nó khá thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, ban đầu, Euglena gặp nhiều khó khăn trong việc phổ biến SUSTEO, một phần do những quan ngại về độ an toàn của loại nhiên liệu này, một phần do giá thành sản xuất cao.
Xe buýt sử dụng nhiên liệu sinh học từ dầu ăn đã qua sử dụng.
Kỹ sư Masashi Kaminaga của Euglena chia sẻ: “Vào mùa Hè năm 2019, quan điểm của xã hội về nhiên liệu sinh học khác xa so với hiện nay. Khi đó, nhiên liệu sinh học vẫn chưa được nhiều người biết đến. Do vậy, cho dù chúng tôi có giải thích cặn kẽ đến đâu nhiều người vẫn đặt câu hỏi liệu nó có thực sự an toàn khi sử dụng làm nhiên liệu trong các phương tiện giao thông”.
Mặt khác, khi Euglena chuẩn bị ra mắt SUSTEO, dịch COVID-19 đã bùng phát trên thế giới, khiến cho các hoạt động tiếp thị và bán hàng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, các cán bộ, nhân viên của Euglena vẫn không nản lòng. Họ không ngừng nỗ lực quảng bá cho SUSTEO. Nhờ vậy, số lượng khách hàng sử dụng loại nhiên liệu sinh học này đang tăng dần.
Trong thời gian tới, ngoài cơ sở sản xuất thử nghiệm ở Yokohama, Euglena đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ mới SUSTEO ở quy mô thương mại vào năm 2025, với chi phí sản xuất chỉ khoảng 100 yen/lít và sản lượng cao gấp 2.000 lần so với hiện nay.
Ông Odate nói: “Do sản lượng có hạn nên nhà máy này chủ yếu cung cấp nhiên liệu sinh học này cho thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch đến năm 2025 sẽ xây dựng nhà máy có công suất 250.000 kilolít/năm. Khi đó, chúng tôi có thể xuất khẩu nhiên liệu này sang một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”.