Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp
Tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức vào chiều 18/11, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp
Năm 2024, hơn 68% trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện tại đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM. Lây truyền qua đường tình dục tiếp tục chiếm trên 80% các ca mới, phản ánh sự dịch chuyển trong đường lây nhiễm.
Đáng nói khi nhóm tuổi 15-29 chiếm tỉ lệ lớn trong số ca nhiễm mới, và hơn 80% người nhiễm HIV mới phát hiện là nam giới. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới đang gia tăng đáng kể. Xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, "chemsex" (dùng chất khi quan hệ tình dục) và quan hệ tình dục tập thể.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính có hơn 267.000 người nhiễm HIV trên cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Năm 2023, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp dương tính HIV mới, 1.623 ca tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Số người nhiễm từ 15 -29 tuổi tăng từ 32% năm 2016 lên 39,4% năm 2024. Bên cạnh đó đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010, xuống còn 6,5% tháng 9/2024. Tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%) có xu hướng ổn định qua các năm.
Theo các chuyên gia để ngăn chặn xu hướng gia tăng nhanh chóng của dịch HIV trong nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) và những người có hành vi nguy cơ cao, việc mở rộng điều trị PrEP trên toàn quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Về địa bàn, theo khảo sát các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn - nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học. Đây là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.
Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.
Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỉ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022. Tại TPHCM tỉ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, về mục tiêu 95-95-95, Việt Nam đã đạt: 87 % người biết tình trạng nhiễm HIV - 79 % người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV - 95 % người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Tại cuộc gặp mặt báo chí, ông Raman Hailevich - Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV như số nhiễm mới giảm khoảng 60% kể từ năm 2010, vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
Mặc dù có những tiến bộ liên tục và vững chắc này, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Khoảng 1/3 số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24. Sự thiếu hiểu biết về HIV, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ và điều này không phải chỉ là khó khăn thách thức của riêng Việt Nam.