Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững
Diễn đàn được tổ chức với mong muốn tạo ra một nơi để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu và thông qua truyền thông để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, những con số tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2024.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%. Đặc biệt, phân bón cũng đang là mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD trong khi nhiều năm về trước chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Theo đánh giá của Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “ Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong năm 2024 đang có sự dịch chuyển giữa các quốc gia (Trung Quốc - Hoa Kỳ - Asean, Trung Đông, EU). Xuất khẩu vào các thị trường trong điểm như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có sự chậm lại qua các tháng.
Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024”.
Ngoài ra, chính sách bảo hộ cũng đang ngày một tăng, phòng vệ thương mại ngày càng được quan tâm. Hoạt động sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu của các nước và hàng hóa nội địa (đặc biệt là Trung Quốc).
Để có được kết quả đó, các doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi dù đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu sản phẩm, đây là “nỗi đau” lớn của ngành. Chăn nuôi là một trong bốn lĩnh vực trọng yếu của ngành nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước còn rất thấp.
Ngành chăn nuôi đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm việc không gian chăn nuôi ngày càng thu hẹp do mật độ dân cư đông đúc. Mật độ vật nuôi ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, đứng thứ 6 toàn cầu. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đang gia tăng nhanh chóng, với mức tăng khoảng 15% mỗi năm, so với mức tăng chỉ 2 - 3% của sản xuất trong nước.
Dù vậy, ông Dương nhấn mạnh rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn, tạo cơ hội để doanh nghiệp định hướng phát triển, nâng cao giá trị và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những hoạt động ý nghĩa của Tổng hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Ông cho rằng, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp cùng với nỗ lực của bà con nông dân sẽ tạo ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.
Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành và địa phương đang triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi số và đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại nông, lâm, thủy sản.