Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị.
Tổng thu hơn 2 triệu tỷ đồng
Hội nghị đã nhìn lại quá trình hoạt động của ngành TT&TT trong 6 tháng đầu năm 2024 với những kết quả tích cực. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cho ngành TT&TT được chú trọng đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển ngành.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.
Trong đó, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia; chữ ký số; hoạt động thông tin cơ sở; quản lý đầu tư công nghệ thông tin. Chính phủ cũng đã banh hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Kết luận 57-KL/TW về công tác thông tin đối ngoại. Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phê duyệt các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch quan trọng: Quy hoạch hạ tầng TT&TT; Chiến lược dữ liệu quốc gia; Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số... và 2 Chỉ thị về bảo đảm an toàn thông tin mạng. Bộ TT&TT đã ban hành 8 Thông tư liên quan đến các lĩnh vực quản lý chuyên ngành và trình Chính phủ 2 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, 8 Nghị định, 6 Đề án và 2 Kế hoạch quan trọng khác.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024. Trong đó, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 33.790 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 52,1% kế hoạch năm 2024. Toàn ngành nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024. Đóng góp của ngành TTTT vào GDP ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước khoảng 1.530.528 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.100% địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về chuyển đổi số; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Toàn cảnh hội nghị.
Tính đến tháng 5/2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 82,2%, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,2% kế hoạch năm 2024. Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,1%, đạt 93% kế hoạch năm 2024. Thuê bao băng rộng cố đạt 23,5 thuê bao/100 dân, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96% kế hoạch năm 2024; thuê bao băng rộng di động đạt 91,9 thuê bao/100 dân, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023 và đã vượt kế hoạch năm 2024 (Kế hoạch năm 2024 là 87,5 thuê bao/100 dân); thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP đạt 100,7 triệu thuê bao, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tên miền quốc gia “.vn” đạt 613.000 tên miền, tăng 0,6% so với cuối năm 2023, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tập trung phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận và biểu dương kết quả tích cực ngành TT&TT đạt được trong 6 tháng đầu năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu ngành TT&TT tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin trên không gian mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Cờ thi đua của Bộ cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ TT&TT năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trong chuyển đổi số, cần chú trọng thí điểm rồi tiến hành phổ cập; thí điểm nên có trọng tâm, tập trung vào chỗ có thể tạo ra sự đột phá, chú ý cách làm, các hỗ trợ và đánh giá chính sách. Sau khi thí điểm thành công thì nhanh chóng phổ cập rộng rãi ra toàn quốc. “Giá trị của chuyển đổi số tăng theo cấp số nhân. Chỉ khi phổ cập thì mới quyết định được thành công của chuyển đổi số và giá trị do chuyển đổi số mang lại” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng thời nhấn mạnh, trong chuyển đổi số, vai trong người đứng đầu rất quan trọng. Quyết định thay đổi của người đứng đầu chiếm đến 70% thành công của quá trình chuyển đổi số; công nghệ chỉ chiếm 30%. “Người đứng đầu phải là người muốn thay đổi. Chỉ có người đứng đầu mới có đủ uy tín, thẩm quyền và quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ những cái cũ” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, trong thời kỳ chuyển đổi số, các doanh nghiệp, tổ chức cần có sự hợp tác rộng rãi để thực hiện các nội dung mang tính đổi mới sáng tạo. “Không một doanh nghiệp, tổ chức nào có thể làm hết đổi mới sáng tạo… Các doanh nghiệp lớn cần tập trung tạo ra các nền tảng để hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể sáng tạo dịch vụ trên đó và thu phí từ những khách hàng này hơn là tự mình phát triển dịch vụ mới. Với cách triển khai như vậy sẽ giúp tăng doanh thu, nâng cao chất lượng và giá trị dịch vụ. Các cơ quan báo chí và nhà xuất bản cũng cần chuyển mình thành nền tảng để mọi người viết báo, xuất bản sách, từ đó nâng mình lên một tầm cao mới” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.