Khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023

Khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023

Ngày 3/7, Bộ Công thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023.

Hoạt động này nằm trong Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung và Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 02/2022 với mục tiêu nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước và cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.

Theo biên bản ghi nhớ, trong 02 năm (2022 – 2023), chương trình sẽ hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 02 năm.

Tính đến cuối năm 2022, Samsung phối hợp với Bộ Công Thương đã hỗ trợ đào tạo 51 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 26 doanh nghiệp trên cả nước (14 doanh nghiệp phía Bắc, 12 doanh nghiệp phía Nam). Sau quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đối số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa.Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thực hiện mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị Quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

“ Đặc biệt là các Chương trình hợp tác với Samsung Việt Nam, cụ thể như: Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, Chương trình tư vấn cải tiến sản xuất cho doanh nghiệp, Chương trình đào tạo nhân lực cho ngành khuôn mẫu, Chương trình đào tạo và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh…Các chương trình trên đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nhấn mạnh “Thông qua dự án, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ củng cố được năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên toàn bộ quy trình như phát triển, sản xuất và bán hàng. Xa hơn nữa, sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất sắc được mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các doanh nghiệp toàn cầu. Hơn nữa, tôi mong rằng hoạt động xây dựng nhà máy thông minh lần này sẽ trở thành động lực đóng góp vào chính sách đổi mới công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam".

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu.

Trong khuôn khổ Lễ khởi động dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023 cũng diễn ra Lễ ký thỏa thuận hỗ trợ tư vấn cho 12 doanh nghiệp tham gia dự án đợt này.

Cụ thể, Bắc Ninh gồm 5 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty cổ phần In Hồng Hà, Công ty cổ phần AMA Bắc Ninh, Công ty TNHH Quốc tế VINASACO và Công ty cổ phần Tiến Thành.

Cùng đó, Hưng Yên bao gồm 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi và Công ty cổ phần Đức Hiếu. Tại Hà Nội bao gồm 2 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Đúc áp lực Idcast Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A. Ngoài ra, tại Vĩnh Phúc bao gồm 1 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Kỹ Thuật Bao Bì Cửu Long. Tại Hà Nam bao gồm 1 doanh nghiệp: Công ty TNHH Quang Quân.

Theo nội dung đã được ký kết, quy trình hỗ trợ của dự án bao gồm 3 hoạt động gồm lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh và quản lý về sau.

Trong thời gian 3 tuần học lý thuyết, Samsung sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương lựa chọn các chuyên gia tư vấn Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực cải tiến năng suất chất lượng để tiếp tục đào tạo nâng cao về nhà máy thông minh.Ngoài ra, tại 9 tuần thực hành, các chuyên gia Samsung và chuyên gia tư vấn Việt Nam sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Bộ Công thương và Samsung Việt Nam ký kết thỏa thuận hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp tham gia dự án.

Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/IT sau dự án.

Trước đó, từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023.

Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.