Mối nguy nghề nghiệp: Từ truyền thống đến thách thức mới
Lời tòa soạn: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động nhằm thay thế Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH. Nội dung cơ bản của Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH đã được áp dụng từ lâu nhưng vẫn có những hạn chế: Các tiêu chí đánh giá có bản chất khác nhau nhưng được lấy giá trị trung bình; Khó có thể áp dụng với các ngành nghề đặc thù; Chưa thể hiện tác động qua lại của các yếu tố khi chúng có thể khuếch đại lẫn nhau, nhất là khi có mặt đồng thời các hóa chất độc hại, nguy hiểm. Điện tử và Ứng dụng trân trọng giới thiệu nghiên cứu: "Các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên thế giới hiện nay" của TS. Nguyễn Đắc Diện, Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Đại học Công đoàn. Tiêu đề do Ban Biên tập Tạp chí Điện tử và Ứng dụng đặt.
Trong bài viết này, tác giả trình bày các mối nguy truyền thống trong môi trường lao động (mối nguy vật lý, mối nguy hóa học, mối nguy sinh học, mối nguy tâm lý) và các ngành nghề tiếp xúc với rủi ro nghề nghiệp (nông nghiệp, xây dựng, y tế, văn phòng), tỉ lệ tử vong, thương tích, bệnh nghề nghiệp và nguyên nhân của chúng theo các ngành nghề. Hệ thống quản lý an toàn – sức khỏe – môi trường (hệ thống SMS) dựa trên chu trình Deming hay nguyên lý PDCA, các tiêu chuẩn quốc tế ISO giúp xác định mối nguy, đề ra các biện pháp ứng phó với rủi ro, giảm thiểu nguy cơ thương tích và vai trò, nhiệm vụ của cán bộ OSH. Một số mối nguy mới trong thời hiện đại do trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu nano, bất bình đẳng về sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến các yếu tố dân số, xã hội, kinh tế…
1. Các mối nguy truyền thống trong môi trường lao động
Có nhiều mối nguy ở nơi làm việc có thể phá hủy sức khỏe và sự an toàn cho người lao động, bao gồm hóa chất, tác nhân sinh học, các yếu tố vật lý, điều kiện lao động không thuận lợi, chất gây dị ứng và các rủi ro phức tạp khác. Thời gian lao động kéo dài cũng là rủi ro nghề nghiệp mà gây ra gánh nặng bệnh tật. Riêng năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ước tính có khoảng 745 nghìn ca tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ do làm việc quá sức và đây là yếu tố rủi ro sức khỏe nghề nghiệp hàng đầu thế giới.
Quang cảnh Hội thảo: "Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độ chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay". Ảnh HC
Mối nguy vật lý ảnh hưởng đến nhiều người tại nơi làm việc. Sự suy giảm khả năng nghe nghề nghiệp là loại bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất ở Mĩ với 22 triệu công nhân tiếp xúc với mức ồn có hại gây thiệt hại khoảng 242 triệu đô la Mĩ mỗi năm chỉ để bồi thường và điều trị cho người bị suy giảm khả năng nghe hoặc điếc nghề nghiệp.
Ngã cao cũng là nguyên nhân phổ biến của thương tích và tử vong trong các ngành xây dựng, mỏ, vận tải, vệ sinh và bảo dưỡng các tòa nhà. Máy móc có các bộ phận chuyển động, các cạnh sắc nhọn, bề mặt nóng có thể gây tai nạn kiểu cán kẹp, cắt, đâm, bỏng nếu được sử dụng không an toàn.
Mối nguy sinh học gồm các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như virut, vi khuẩn, độc tố được tạo ra bởi các sinh vật cắn hay đốt người hay từ gai cây đâm vào người, bệnh truyền từ động vật sang người, mầm bệnh từ máu hoặc bệnh phẩm. Các mối nguy sinh học ảnh hưởng đến người lao động ngoài trời như nông dân, người làm vườn hoa, công viên, công nhân xây dựng, nhân viên y tế, bác sĩ thú y.
Các hóa chất nguy hiểm gồm chất độc thần kinh (neurotoxin), chất gây dị ứng da liễu, chất gây ung thư, chất độc sinh sản, thuốc trừ sâu, chất gây hen suyễn, chất gây bệnh phổi, chất làm nhạy, kim loại nặng, halogen hữu cơ... Chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể theo thời gian và cuối cùng sẽ lên mức nguy hiểm nếu ta tiếp xúc với lượng nhỏ chúng mỗi ngày. Các cơ quan quản lý cần thiết lập giới hạn tiếp xúc để giảm rủi ro hóa chất.
Rủi ro tâm lý, tinh thần, cảm xúc như mối lo mất việc làm, thời giờ làm việc kéo dài, cân bằng công việc và cuộc sống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (sự cảnh giác quá mức, sự ám ảnh, hành vi lảng tránh), quấy rối tình dục hoặc bạo lực…
Người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thường có rủi ro thương tích, bệnh phổi, bệnh ngoài da, ung thư liên quan đến việc sử dụng hóa chất hoặc phơi nắng kéo dài. Thương tích thường do máy móc nông nghiệp như máy kéo, xe tải. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất bảo quản nông sản sau thu hoạch có thể gây bệnh tật hoặc dị tật bẩm sinh. Nông dân trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thường phải làm việc trong thời gian dài, 37% làm việc hơn 48 giờ mỗi tuần và 24% làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần, 42% làm việc trong ca không chuẩn (không phải ca làm việc ban ngày), 85% làm việc ngoài trời, 53% thường xuyên tiếp xúc với hơi, khí độc, bụi, khói. Trong khi đó, chỉ 25% tổng số người lao động trong tất cả các ngành nghề là làm việc ngoài trời hoặc thường xuyên tiếp xúc với hơi khí độc, khói bụi, 39% có tiếp xúc da thường xuyên với hóa chất, 28% tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nơi làm việc.
Ngành công nghiệp mỏ và khai thác dầu khí có tỉ lệ tử vong cao nhất so với các ngành khác. Các yếu tố nguy hiểm thường là sự không ổn định địa chất, nổ mỏ đá, nổ khí gas trong các mỏ than, căng thẳng nhiệt do nhiệt độ nóng hoặc lạnh quá mức, khói bụi, tai nạn điện giật, ngã cao, không gian kín thiếu dưỡng khí, bức xạ ion hóa, bục túi nước…
Xây dựng là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới, có tỉ lệ tử vong nghề nghiệp cao hơn bất cứ nghề nào khác ở cả Mĩ và Liên minh châu Âu. Năm 2009, tỉ lệ tử vong của công nhân xây dựng ở Mĩ cao gấp gần 3 lần so với mặt bằng chung. Ngã cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thương tích và tử vong của công nhân xây dựng. Các thiết bị an toàn phù hợp như dây an toàn (dây cứu sinh), lan can, thang an toàn, giàn giáo có thể làm giảm rủi ro thương tích trong xây dựng. Tai nạn có thể gây hậu quả thảm khốc đối với người lao động và doanh nghiệp nên việc đảm bảo an toàn cho tính mạng và sức khỏe của công nhân thông qua việc tuân thủ các yêu cầu HSE (Health, Safety, and Environment) trong xây dựng là tối quan trọng. Trong số các công nhân xây dựng ở Mĩ, 44% không là lao động toàn thời gian so với 19% tổng số lao động Mĩ, 15% là lao động thời vụ so với 7% tổng số lao động Mĩ, 55% gặp mất an ninh việc làm (dễ thất nghiệp) so với 32% tổng số lao động Mĩ. Tỉ lệ tiếp xúc với rủi ro vật lý/hóa học là đặc biệt cao đối với khu vực xây dựng.
Mỗi loại hình nơi làm việc có rủi ro sức khỏe riêng. Công việc văn phòng ít di chuyển, thời gian ngồi một chỗ kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, căng thẳng, quá tải công việc và tình trạng bắt nạt ở nơi làm việc, có ảnh hưởng xấu đến cả thể chất và tinh thần. Người sống bằng tiền hoa hồng có mối nguy cao hơn về sức khỏe tinh thần do tình trạng bấp bênh của nghề dịch vụ, mức lương thấp và không dự đoán được, phúc lợi không có, thiếu kiểm soát giờ làm việc và ca làm việc. Gần 70% người sống bằng tiền boa là phụ nữ. Người làm trong khu vực dịch vụ thì ít tiếp xúc với các yếu tố vật lý/hóa học nguy hiểm so với trung bình.
Nhân viên y tế cũng gặp nhiều rủi ro sức khỏe như giờ làm việc kéo dài, dịch chuyển ca làm việc, công việc đòi hỏi thể chất, bạo lực, bệnh truyền nhiễm và hóa chất độc hại có thể gây bệnh tật hoặc thương tích. Các bệnh viện ở Mĩ ghi nhận 253000 ca thương tích và bệnh tật liên quan đến lao động trong năm 2011, chiếm tỉ lệ 6,8% trong lực lượng lao động. Tỉ lệ thương tích và bệnh tật trong bệnh viện còn cao hơn cả ngành xây dựng và sản xuất vốn được coi là nguy hiểm hơn.
Hình 1 cho thấy riêng năm 2019, số ca tử vong nghề nghiệp cỡ 2,9 triệu người, tăng lên từ con số 2,78 triệu năm 2015. 31% số ca tử vong là do bệnh tuần hoàn, 29% do bệnh ung thư, 17% do bệnh hô hấp, 11% là do tai nạn lao động (khoảng 319 nghìn ca tử vong), 6% do bệnh truyền nhiễm, 3% do bệnh tâm thần, 1% do bệnh tiêu hóa, 1% do bệnh tiết niệu, và 1% còn lại là do các nguyên nhân khác. Ung thư là nguyên nhân quan trọng nhất của tử vong ở các nước có thu nhập cao. Số ca thương tích không tử vong năm 2019 là 402 triệu người. Tỉ lệ tử vong ở nam giới là 108,3/100000 cao hơn đáng kể so với nữ giới (48,4/100000). 6,7% tổng số người chết trên toàn cầu là tai nạn nghề nghiệp. Khoảng 3,5 triệu người bị thương hoặc đau ốm không tử vong tại nơi làm việc trong năm 2022, chiếm tỉ lệ 3% số người lao động toàn thời gian.
Hình 1. Tỉ lệ tử vong do tai nạn và bệnh nghề nghiệp trên thế giới năm 2019.
Ngành nghề | Số ca tử vong trên 100000 người lao động |
Nông lâm ngư nghiệp | 23,5 |
Vận tải | 14,6 |
Xây dựng và khai thác | 13,0 |
Dịch vụ | 10,2 |
Lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa | 8,8 |
Vệ sinh công nghiệp | 7,4 |
Tất cả các ngành nghề | 3,7 |
Bảng 1. Tỉ lệ tử vong trên 100000 lao động phụ thuộc ngành nghề
Nguyên nhân | Số ca trên 100000 người lao động |
Cháy nổ | 107 |
Vật thể, thiết bị | 738 |
Môi trường độc hại | 839 |
Bạo lực do con người và động vật | 849 |
Trơn, trượt, ngã | 865 |
Tai nạn giao thông | 2066 |
Tất cả các sự cố | 89,4 |
Bảng 2. Nguyên nhân thương tích và bệnh tật
Ngành nghề | Số ca trên 100000 người lao động |
Tài chính, bảo hiểm, địa ốc | 0,8 |
Quản lý doanh nghiệp | 0,8 |
Khoa học, kĩ thuật | 0,9 |
Thông tin | 1,0 |
Khai thác đá và dầu khí | 1,4 |
Xây dựng | 2,4 |
Bán buôn | 2,6 |
Lưu trú và dịch vụ ăn uống | 2,7 |
Sản xuất hàng hóa | 2,9 |
Giải trí, khách sạn | 2,9 |
Khai thác khoáng sản | 3,1 |
Sản xuất | 3,2 |
Nông lâm ngư nghiệp và săn bắn | 3,5 |
Thương mại, vận tải và dịch vụ | 3,7 |
Bán lẻ | 3,7 |
Giáo dục và y tế | 4,2 |
Nghệ thuật | 4,2 |
Trợ giúp xã hội | 4,5 |
Kho bãi | 4,8 |
Dịch vụ công | 4,9 |
Tất cả các ngành nghề | 3,0 |
Bảng 3. Tỉ lệ thương tích và bệnh tật theo ngành nghề
2. Hệ thống quản lý an toàn - sức khỏe - môi trường
Các công ty có thể thực hiện hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe (SMS) một cách tự nguyện để giải quyết theo một cách có hệ thống và có cấu trúc các rủi ro sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Hệ thống SMS cho phép đánh giá và ngăn ngừa tai nạn và sự cố tại nơi làm việc. Nó có thể thích ứng với thay đổi trong hoạt động kinh doanh của tổ chức và yêu cầu của luật pháp. Hệ thống SMS dựa trên chu trình Deming hay nguyên lý PDCA (lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – cải tiến). Một hệ thống SMS hiệu quả phải xác định được cách thức quản lý rủi ro của tổ chức, đánh giá được các mối nguy và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp, thông tin hiệu quả trên tất cả các cấp của tổ chức, hiệu chỉnh các vấn đề không phù hợp hoặc không tuân thủ quy định, và thực hiện quá trình cải tiến liên tục. Các vấn đề môi trường, chất lượng, an toàn được tích hợp trong một hệ thống quản lý thống nhất mà không tách riêng như cách quản lý truyền thống. Hệ thống SMS đáp ứng cả những yêu cầu bắt buộc của khu vực công nghiệp và tiêu chuẩn nội tại của doanh nghiệp.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ban hành Hướng dẫn về hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp (OSH 2001), khuyến khích cải tiến liên tục vấn đề An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động thông qua kiểm tra thường xuyên để xác định thành công của hành động OSH (Occupational Safety and Health). Từ 1999 đến 2018, OHSAS 18001 được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đó là sự tích hợp ISO 9001 với ISO 14001. OHSAS 18001 được thay thế bởi ISO 45001 năm 2018.
Mối nguy (hazard) là thứ có thể gây hại nếu không được kiểm soát. Hậu quả (outcome) là thứ xuất phát từ mối nguy không được kiểm soát. Rủi ro (risk) là sự kết hợp của xác suất mà một hậu quả nhất định có thể xảy ra và tính nghiêm trọng của hậu quả. Mối nguy có thể gây phá hủy môi trường hoặc thiết bị. Tổn hại (harm) là sự suy giảm trực tiếp hoặc gián tiếp, tạm thời hoặc lâu dài cho sức khỏe thể chất, tinh thần hoặc xã hội cho người lao động. Chẳng hạn, việc thao tác bằng tay các vật nặng lặp đi lặp lại là một mối nguy, hậu quả là rối loạn cơ xương, thương tích lưng hoặc khớp. Mức độ rủi ro được biểu diễn bằng số hoặc thuật ngữ tương đối (cao/trung bình/thấp).
Xác định mối nguy là một bước quan trọng trong quá trình đánh giá và quản lý rủi ro. Đánh giá rủi ro được tiến hành trước khi thực hiện can thiệp nhằm xác định mối nguy, các đối tượng bị ảnh hưởng, ước tính hậu quả, đề xuất các biện pháp kiểm soát thích hợp. Đánh giá định lượng bằng hệ số rủi ro, trong đó ta quy ước xác suất xảy ra rủi ro và tính nghiêm trọng của hậu quả bằng các số nguyên rồi nhân với nhau. Đánh giá định tính bằng việc mô tả các tình huống mà tổn hại có thể xuất hiện. Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát rủi ro, cần đánh giá lại để xem liệu rủi ro có giảm đến mức chấp nhận được hay không, ít nhất là giảm một bậc, từ cao xuống trung bình hoặc từ trung bình xuống thấp.
Luật pháp và quy tắc về ATVSLĐ gồm cưỡng bức và khuyến khích tuân thủ. Một số nước châu Âu thúc đẩy OSH thông qua cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc chính sách thuế để khuyến khích đầu tư vào OSH, một số nước khác áp dụng bảo hiểm tai nạn lao động, giảm phí bảo hiểm cho các công ty, tổ chức có hồ sơ OSH mạnh.
Nhiều lĩnh vực chuyên môn như y tế, sức khỏe nghề nghiệp, dịch tễ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tâm lý học, yếu tố con người và ergonomi sẽ có lời khuyên về các vấn đề ATVSLĐ như cách tránh điều kiện lao động nhất định, điều chỉnh tư thế làm việc, tần suất nghỉ ngơi, hành động phòng ngừa. Chất lượng an toàn lao động được đặc trưng bởi mức độ thương tích công nghiệp, số ngày nghỉ làm trung bình trên mỗi người lao động, sự thỏa mãn của người lao động đối với điều kiện làm việc, động lực làm việc an toàn của người lao động.
Nhiệm vụ chính của cán bộ OSH bao gồm:
- Đánh giá môi trường làm việc, thiết bị để đảm bảo tuân theo các quy tắc an toàn.
- Thiết kế và thực thi các chương trình và quy trình làm việc mà kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro vật lý, hóa học đến công nhân
- Giáo dục người lao động về việc duy trì an toàn lao động
- Hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn và đảm bảo công nhân sử dụng thích hợp
- Điều tra tai nạn để xác định nguyên nhân, số người bị ảnh hưởng, xu hướng xảy ra tai nạn trong tương lai và đề xuất các biện pháp phòng ngừa khả dĩ
- Báo cáo bằng văn bản kết quả điều tra, khảo sát, huấn luyện…
Các chuyên gia OSH kiểm tra nơi làm việc về các yếu tố vật lý, môi trường mà có thể gây hại đến sức khỏe, sự an toàn, sự thoải mái và hiệu suất lao động của công nhân. Sau đó, tìm cách xử lý các yếu tố rủi ro tiềm năng. Ví dụ, nếu họ thấy các điều kiện nguy hại trong một nhà máy hóa chất và thì có thể đề nghị thay đổi đèn chiếu sáng, thiết bị, nguyên liệu, thông gió. Kĩ sư OSH thu thập dữ liệu về môi trường làm việc và thực hiện cải tiến hiện trường, đảm bảo công nhân sử dụng thiết bị bảo hộ cần thiết như mặt nạ, mũ cứng. Họ cũng phát triển các chương trình huấn luyện gồm các chủ đề như sử dụng thiết bị an toàn đúng cách, biện pháp ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Họ cũng cung cấp thông tin OSH cho người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng, và đánh giá hiệu quả của chương trình sức khỏe công nhân.
Đào tạo hiện trường là một dạng đào tạo trong công nghiệp xây dựng được thực hiện bởi giám sát an toàn và chỉ huy công trình về an toàn, vệ sinh, môi trường và nhận phản hồi từ lực lượng lao động. Sử dụng thực tế ảo trong đào tạo an toàn xây dựng, phòng chống cháy nổ, hiệu quả hơn phương pháp truyền thống trong việc phổ biến bài giảng và lưu trữ tri thức.
Trên quy mô quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tập trung vào môi trường lao động ở các nước đang phát triển với các dự án như Thành phố khỏe mạnh. Nhiều nước đang phát triển thiếu nguồn lực đầu tư vào OSH dẫn đến chi phí liên quan đến bệnh tật và tai nạn lao động gia tăng, chiếm tới 10% GDP ở Mĩ Latinh so với 3% ở châu Âu.
3. Những mối nguy mới trong thời hiện đại
Trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra mối nguy tâm lý do khả năng thay đổi tổ chức lao động, thay đổi trong kĩ năng cần thiết của công nhân, đòi hỏi phải đào tạo lại công nhân, gây căng thẳng do phải làm việc ở nhịp độ của robot. Xe tự hành (cobot) như xe nâng ở nhà kho hoặc nhà máy được vận hành bởi AI có thể gây mối nguy vật lý như va chạm của robot với công nhân do ta không kiểm soát mối nguy bằng rào chắn hoặc thanh chắn như robot công nghiệp truyền thống. AI đòi hỏi các biện pháp an ninh mạng để ngăn chặn phần mềm trái phép xâm nhập. Việc giám sát, thu thập và phân tích dữ liệu sức khỏe công nhân ở nơi làm việc là thách thức đối với AI.
Một cuộc khảo sát ở Thụy Sĩ năm 2006 đối với 138 công ty có sử dụng hoặc tạo ra vật liệu dạng hạt nano, cho thấy 65% công ty không có quá trình đánh giá rủi ro của vật liệu nano. Kích thước nhỏ của hạt nano làm cho các bình chứa và phương tiện bảo vệ cá nhân thông thường không hiệu quả. Diện tích bề mặt tương đối của vật liệu nano tăng đáng kể, tăng hiệu quả xúc tác và hoạt tính hóa học so với vật liệu kích thước lớn hơn. Điều này đặt ra thách thức mới trong tương lai gần về các biện pháp mới đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân bởi vì hầu hết các biện pháp kiểm soát truyền thống không hiệu quả.
Sự bất bình đẳng về sức khỏe nghề nghiệp là sự khác biệt về thương tích và bệnh tật do lao động liên quan đến các yếu tố dân số, xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị… Ba lĩnh vực nghiên cứu chính về bất bình đẳng sức khỏe nghề nghiệp gồm:
- Xác định các yếu tố xã hội gây ra sự phân bố không đều về lợi ích và rủi ro liên quan đến lao động
- Kiểm tra yếu tố đặt người công nhân vào rủi ro lớn hơn về thương tích và đau ốm nghề nghiệp
- Đề xuất các biện pháp can thiệp hiệu quả để giảm bất bình đẳng sức khỏe nghề nghiệp
Tài liệu tham khảo
- Wouter Steijn, Eric Luiijt, Dolf van der Beek, Emergent risk to workplace safety as a result of the use of robots in the work place, TNO 2016.
- Manisha Amin, Jane Cockburn, Marc Carmichael, Leila Frijat, Rebecca Grace, Matthias Guertler, Sazzad Hussain, Gavin Paul, Nathalie Sick, Laura Tomidei, Annika Wambsganss, Working safety with collaborative robots: Work health and safety risks and harms of cobots, New South Wales Government 2022.
- Michael A. Flynn, Donald E. Eggerth, C. Jeffrey Jacobson, Undocumented status as a social determinant of occupational safety and health: The workers' perpective, American Journal of Industrial Medicine 58 (2015) 1127-1137.
- Michael A. Flynn, Pietra Check, Andrea L. Steege, Jacqueline M. Siven, Laura N. Syron, Health equity and a paradigm shift in occupational safety and health, International Journal of Environmental Research and Public Health 19 (2022) 349.
- Andrew D. Maynard, Nanotechnology: assessing the risks, Nano Today 1 (2) (2006) 22-33.
TS. Nguyễn Đắc Diện,
Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Đại học Công đoàn.