Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, tiếp nối sự thành công của Cuộc thi “Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công” năm 2021 và Hội thảo “Truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân – Nỗ lực để thành công” năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại kết hợp với chương trình SheTrades của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC SheTrades) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận sâu hơn vào thương mại số, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nữ làm chủ.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương.
Lễ khởi động nhằm cung cấp tổng quan những thách thức và cơ hội cho các nữ doanh nhân trong thương mại số và có các buổi đào tạo về các khái niệm chính của thương mại điện tử, tập trung mở rộng kinh doanh sang các thị trường châu Âu (EU). Bên cạnh đó, đưa ra những lợi ích của Hiệp định thương mại do EU – Việt Nam (EVFTA), giúp giảm thuế quan và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường EU, tăng cường tiềm năng xuất khẩu cho các doanh nghiệp do phụ nữ Việt Nam lãnh đạo. Ngoài ra, khai thác các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.com để tiếp cận thị trường toàn cầu.
Cũng theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành những yếu tố không thể thiếu, quyết định sự thành công và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Việt Nam đang chứng kiến một kỷ nguyên số hóa, nơi mà việc áp dụng công nghệ vào quản lý và vận hành không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí mà còn mở ra những cơ hội mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng đột phá và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự chia sẻ của các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm tại lễ khởi động, tất cả các mục tiêu, nội dung mà lễ khởi động hướng tới sẽ được thực hiện một cách hiệu quả nhất nhằm trang bị cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ những kiến thức và kỹ năng bổ ích. Qua đó hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu”, ông Phú nhấn mạnh.
Dự án “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” là sáng kiến tiếp nối việc hỗ trợ đang diễn ra ở Việt Nam. Dự án này không chỉ tăng cường năng lực xuất khẩu mà còn tạo ra mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan; thể hiện cam kết tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và phù hợp với mục tiêu nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Judith Fessehaie – Quản lý SheTrades, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
Theo Cục Xúc tiến thương mại, thời gian qua, Cục Doanh nghiệp Hà Lan, thông qua Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Là cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Kinh tế và Chính sách Khí hậu của Hà Lan, Cục Doanh nghiệp Hà Lan có mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh cả trong nước và quốc tế. Điều này đạt được thông qua hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu và cơ quan hoạch định chính sách.
Tại Việt Nam, Cục Doanh nghiệp Hà Lan đã tài trợ nhiều sáng kiến nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một nỗ lực nổi bật là việc triển khai chương trình “Nâng cao năng lực thương mại điện tử cho doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo” dưới sự bảo trợ của SheTrades tại Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Judith Fessehaie – Quản lý SheTrades, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) khẳng định: “Phụ nữ sở hữu khoảng 22% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, bao gồm nguồn lực tài chính hạn chế, khoảng cách về kiến thức số và hạn chế tiếp cận với tín dụng. Ngoài ra, định kiến giới, lo ngại về an ninh và khó khăn trong việc điều hướng các nền tảng thương mại điện tử cũng hạn chế tiềm năng mở rộng và cạnh tranh của họ trên phạm vi quốc tế”.
“Thông qua các chương trình đào tạo được thiết kế riêng và sự hỗ trợ toàn diện về việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.com, chúng tôi đang giúp các nữ doanh nhân thích nghi với nền kinh tế số và mở khóa tiềm năng to lớn của thương mại toàn cầu” - bà Judith Fessehaie nhấn mạnh.
Tại Lễ khởi động Dự án, các chuyên gia của Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin tổng quan, thách thức và cơ hội cho các nữ doanh nhân trong thương mại số, các khái niệm chính của thương mại điện tử.
Đại diện doanh nghiệp cũng được cung cấp thông tin về lợi ích của Hiệp định Thương mại do EU – Việt Nam (EVFTA) liên quan tới giảm thuế quan và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tăng cường tiềm năng xuất khẩu. Bên cạnh đó là việc khai thác các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.com để tiếp cận thị trường toàn cầu.