Ngân hàng yếu kém nào sẽ sáp nhập vào Vietcombank?
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vietcombank được tổ chức sáng ngày 21/04. Ảnh: TM
Tính đến 8h00, số cổ đông tham dự đạt 101 cổ đông, tương đương 94,48% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với mức 37,368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 tối thiểu đạt 43,000 tỷ đồng.
Ngân hàng đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 tổng tài sản tăng 9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) không cao hơn năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1.5%.
Xa hơn với định hướng chỉ tiêu dự kiến cho giai đoạn 2023-2028, tăng trưởng tổng tài sản dự kiến 9-10%/năm, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế bình quân 12-14%/năm. Tăng trưởng huy động vốn bình quân 10-11%/năm và phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ ROE bình quân 17-18%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1.5%.
Nguồn: VietstockFinance
Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm 2022 của Vietcombank đạt hơn 29,387 tỷ đồng. Sau khi nộp thuế và trích các quỹ, lợi nhuận còn lại 21,680 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này dự kiến được dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bầu HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028
HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến được bầu gồm 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.
Danh sách ứng viên dự kiến bầu vào HĐQT có 6 thành viên từ HĐQT cũ gồm ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào, ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Hồng Quang đều là Thành viên HĐQT.
Bầu 01 Thành viên HĐQT độc lập để thay thế Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Ngoạn hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Viet Lotus, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VCB (hiện nay đã nghỉ hưu) giữ chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của VCB nhiệm kỳ 2023-2028.
Bầu tái cử 1 Thành viên HĐQT đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài (nhân sự do Mizuho đề cử) là ông Shojiro Mizoguchi, Thành viên HĐQT đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023.
Như vậy, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ cũ sẽ không tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ mới theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Trương Gia Bình được bầu vào HĐQT Vietcombank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
BKS nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 4 thành viên, danh sách ứng cử gồm ông Lại Hữu Phước, bà La Thị Hồng Minh, bà Đỗ Thị Mai Hương và bà Trần Mỹ Hạnh.
Triển khai đúng tiến độ phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD yếu kém
Trong năm 2022, người đại diện vốn Nhà nước Vietcombank đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với nội dung: Kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.
Trong năm 2023, Ngân hàng cũng đặt mục tiêu triển khai đúng tiến độ Phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD yếu kém.
Liên quan đến việc xử lý TCTD yếu kém, theo báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, trong đó hoàn thiện khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...
Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng “0 đồng” là Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Riêng từ cuối tháng 10/2022, NHNN đã đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt.