Tại cuộc thi Thiết kế vi mạch bán dẫn Khu vực Đông Nam Á (SEACAS Chipathon 2023) được tổ chức tại thành phố Manila, Philippines vào ngày 18 và 19 tháng 9 năm 2023, nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất sắc đoạt Giải Ba. Cuộc thi do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems (CAS) phối hợp với Đại học Quốc gia Philippines (UP Diliman) tổ chức. Chipathon 2023 thu hút sự tham gia của các đội sinh viên đến từ các nước Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Việt Nam.
Nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đoạt giải ba cuộc thi Thiết kế vi mạch bán dẫn khu vực Đông Nam Á (SEACAS Chipathon 2023).
Thành công của đội tuyển Việt Nam tại cuộc thi thiết kế chip bán dẫn Chipathon 2023 cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực và trình độ chuyên môn cao của các thành viên. Cuộc thi đòi hỏi các đội tuyển phải đề xuất kiến trúc, thực thi tối ưu thiết kế phần cứng cho các thuật toán có sẵn để tạo ra thành phẩm cuối cùng là bản thiết kế hoàn chỉnh cho vi mạch tích hợp, sẵn sàng để sản xuất thử nghiệm bằng các công cụ thiết kế tự động (EDA) mã nguồn mở. Các đội phải thiết kế một chip hoàn chỉnh chỉ trong vòng 24 tiếng, với những yêu cầu khắt khe về tính sáng tạo, hiệu quả và khả thi.
Các sản phẩm sẽ được một hội đồng gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đánh giá dựa trên tính sáng tạo, tính mới của các phương pháp thực thi, cũng như các kết quả đạt được như diện tích, công suất tiêu thụ và tốc độ xử lý tính toán của hệ thống.
Đội Việt Nam đã vượt qua thử thách này nhờ sự am hiểu sâu sắc các công nghệ thiết kế chip tiên tiến, khả năng làm việc nhóm hiệu quả và tinh thần cầu tiến. Thành tích này cho thấy trình độ thiết kế chip của sinh viên Việt Nam ngày càng tiệm cận trình độ quốc tế, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghệ cao Việt Nam.
Đại diện đội Việt Nam tham dự cuộc thi do bạn Nguyễn Thế Anh - sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội làm trưởng nhóm. Các thành viên khác bao gồm Phạm Minh Hải - sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Hoàng Tuấn Hưng, học sinh lớp 12 chuyên Tin học tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc lựa chọn các thành viên tham gia đội tuyển dựa trên năng lực học tập, kiến thức và kỹ năng thiết kế chip. Các thành viên được đào tạo bổ sung về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trước khi tham gia cuộc thi. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn và khả năng làm việc nhóm đã giúp đội tuyển Việt Nam gặt hái thành công tại cuộc thi.
Nhóm sinh viên Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận sáng tạo trong thiết kế vi mạch bán dẫn cho cuộc thi. Họ sử dụng thuật toán biến đổi nhanh chuỗi Fourier (FFT) hiệu năng cao cho các sản phẩm ứng dụng IoT để tối ưu hóa tốc độ xử lý. Bản thiết kế hoàn chỉnh của hệ thống (GDS-II) với các tính năng vượt trội đã giúp đội Việt Nam vượt qua các đối thủ đến từ Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản và Indonesia để giành Giải Ba cuộc thi Chipathon.
"Thời điểm mới bắt đầu, chúng em rất lo lắng vì bản thân chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, sau tham gia đào tạo tại Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng em đã hiểu rõ hơn về quy trình thiết kế vi mạch và làm chủ quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn, từ khâu thiết kế, mô phỏng, thực thi thiết kế đến xuất ra bản thiết kế ở dạng GDS-II sẵn sàng cho chế tạo. Tham dự cuộc thi là một trải nghiệm rất tốt cho chúng em. Chúng em đã học hỏi được rất nhiều từ cuộc thi, từ các nhóm sinh viên đến từ các nước" - đại diện nhóm sinh viên Việt Nam chia sẻ.
Hiệp hội IEEE Circuits and Systems (CAS) là một hiệp hội nghề nghiệp quốc tế về Mạch tích hợp và Hệ thống, tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư và các nhà nghiên cứu về thiết kế vi mạch, thiết kế mạch và hệ thống điện tử, máy tính. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế vi mạch tại các quốc gia trong khối ASEAN, hằng năm IEEE CAS tổ chức các cuộc thi thiết kế vi mạch tích hợp dành cho sinh viên tới các các nước trong khu vực Đông Nam Á.