Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ được sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần
VRES 2022 quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tài chính, kinh tế, bất động sản... cùng hơn 1.000 khách tham dự là lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, các diễn giả đã phân tích những yếu tố nội lực của ngành bất động sản Việt Nam; đồng thời dự báo về thời điểm và tín hiệu đảo chiều của thị trường dựa trên nghiên cứu chuyên sâu về dữ liệu, xu hướng và tình hình kinh tế vĩ mô qua nhiều chu kỳ kết hợp với khảo sát thực tế về kỳ vọng của các bên tham gia thị trường.
Dòng tiền trong BĐS đã dịch chuyển từ Bắc vào Nam.
Báo cáo tại Hội nghị thấy, Trong quý 4/2022, lượt tìm mua BĐS tại TP. Hồ Chí Minh ước tính tăng 18% so với quý 1/2022, trong khi con số này của Hà Nội lại giảm 8%. Nhu cầu tìm thuê BĐS ở cả 2 thành phố đều hồi phục tốt trong năm 2022 nhưng TP. Hồ Chí Minh chứng kiến tốc độ hồi phục mạnh mẽ hơn với mức độ quan tâm tới BĐS cho thuê tăng 103% so với đầu năm, trong khi Hà Nội tăng 63%.
Trong năm nay, nhà mặt phố và biệt thự là 2 loại hình BĐS bán có lượng quan tâm tăng cao nhất tại TP. Hồ Chí Minh, số liệu của Hà Nội cũng cho thấy xu hướng tương tự. Mức độ tăng trưởng lượt tìm kiếm, giá bán và lợi suất cho thuê nhà mặt phố ở TP. Hồ Chí Minh cao hơn đáng kể so với Hà Nội. Nhu cầu tìm mua nhà mặt phố TP. Hồ Chí Minh tăng 49%, mặt bằng giá rao bán loại hình này cũng tăng 16% so với đầu năm. Còn ở Hà Nội, lượng quan tâm nhà phố tăng 17%, giá rao bán tăng 7%.
Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong năm 2022, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 - 70 triệu vẫn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm bất động sản. Khi được hỏi về dự định mua bất động sản, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới.
Tỷ lệ này ở những người đã sở hữu từ 1 bất động sản trở lên còn cao hơn. Càng nắm giữ nhiều bất động sản thì xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng càng tăng. Trong cuộc khảo sát, 79% người đang có 2 bất động sản cho biết họ sẽ mua thêm bất động sản trong tương lai gần, tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 bất động sản lên đến 87%.
Những số liệu này cho thấy, nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân đã và sẽ luôn ở mức cao. Tuy nhiên, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam - cho rằng, nhu cầu thực được cho là "điểm sáng" tháo gỡ khó khăn nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả hoạt động vào việc phục vụ nhu cầu này của khách hàng. Mặc dù vậy, để dòng vốn thực sự được khơi thông sẽ cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá bất động sản cần giảm tiếp.
Ông Đinh Minh Tuấn dự báo, trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc ở một số khu vực có thể vẫn chững lại, người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản, đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào "bắt đáy", mở thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn và giải cứu thị trường.
Theo TS. Cấn Văn Lực, cơ sở cho sự nhận định về thị trường bất động sản năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 - 2023. “Kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm lại nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch (2,2 - 3%, đã tính đến tác động xung đột giữa Nga và Ukraine). Kinh tế phục hồi nhanh, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, trong đó phải kể đến sự phục hồi nhanh của du lịch nội địa; lạm phát cơ bản được kiểm soát; tỷ giá lãi suất tăng nhưng trong tiên lượng và tầm kiểm soát; đầu tư công, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh; cộng với việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy…”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam 2022.
Song, vị chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý đến những rủi ro và thách thức chính trong năm 2022 - 2023, đó là việc kinh tế thế giới suy giảm cục bộ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, thậm chí tăng chậm lại; du lịch quốc tế hồi phục chậm; giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công còn chậm; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…
Mặc dù vậy, ông cũng như nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin tưởng, thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ điều chỉnh mạnh, lành mạnh hóa. Bất động sản nền, khu công nghiệp, nhà ở tiếp tục điều chỉnh và khả quan; nguồn cung, pháp lý dần được tháo gỡ. “Tuy nhiên bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là một thách thức cần giải quyết”, theo đó, thị trưởng BĐS sẽ được sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần.
Cùng đánh giá về tiềm năng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho rằng: Thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường.
“Chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5 - 8,2% cùng với CPI từ 3,8 - 4,2% cho thấy bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 40%, còn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa đến 50%. Với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư thì thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.