Tình trạng SIM rác đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến trải nghiệm người dùng và ngành viễn thông. Để cải thiện tình hình này, các biện pháp mạnh mẽ đã được triển khai nhằm chống lại vấn nạn SIM rác và bảo vệ quyền lợi của người dùng.
SIM rác, tin nhắn rác hay cuộc gọi rác, là một hình thức quảng cáo không mong muốn thông qua tin nhắn văn bản, cuộc gọi tới điện thoại di động của người dùng. Điều này không chỉ gây phiền toái mà còn gây lãng phí tài nguyên viễn thông và tiêu tốn thời gian của người dùng. Bên cạnh đó, các nội dung được gửi từ SIM rác cũng có thể chứa các liên kết độc hại hoặc mục đích lừa đảo, đe dọa an toàn thông tin cá nhân và tài chính của người dùng.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc thông tin giải quyết tình trạng sim rác
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, bên cạnh mặt tích cực, sim điện thoại đã bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo. Hiện trên thế giới cũng chưa có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.
Việc loại bỏ các sim rác là một quá trình liên tục. Yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao vừa qua là một biện pháp giảm tình trạng sim rác, từ đó giúp các cơ quan chức năng thuận tiện hơn trong xác minh, xử lý những trường hợp vi phạm, góp phần ngăn chặn việc phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo.
Trước đó, tại báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác, Bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp viễn thông di động triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung thuê bao của doanh nghiệp viễn thông với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng.
Theo Bộ TT&TT, từ tháng 4/2023, Bộ đã tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dự kiến kết thúc trong tháng 6/2023. Mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều SIM thuê bao để lưu thông ra thị trường, nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.
Sim không chính chủ muốn mua bao nhiêu cũng có
Các đoàn thanh tra sẽ xem xét việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý thông tin thuê bao của doanh nghiệp viễn thông, phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Nghị định số 49/2017 của Chính phủ về quản lý thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ thực hiện 6 biện pháp để khắc phục tình trạng này. Cụ thể:
- Các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý sim rác;
- Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo;
- Kiểm tra, xử lý các trạm thu phát sóng giả;
- Đôn đốc, đánh giá việc xây dựng các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác;
- Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến;
- Triển khai các công cụ cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị của mình.
Bộ TT&TT cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng triển khai các biện pháp rà soát làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đang sở hữu từ 10 SIM trở lên nhằm bảo đảm tất cả các thuê bao do khách hàng là các tổ chức, cá nhân đã đăng ký, sở hữu là chính xác, đúng với đối tượng, mục đích sử dụng.
Cục Viễn thông - Bộ TT&TT sẽ triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ cung cấp cho người sử dụng các công cụ để họ chủ động ngăn chặn từ thiết bị đầu cuối của mình.
Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp rà soát, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao đối với các thuê bao có thông tin không trùng khớp sau đối soát với CSDL quốc gia về dân cư, có thông tin không đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan báo chí, các nhà mạng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc phòng, chống, xử lý SIM có thông tin không đúng quy định; đề nghị người dân phối hợp với các doanh nghiệp để chuẩn hóa, chính xác thông tin thuê bao, chung tay xử lý vấn đề SIM có thông tin không đúng quy định.
Khách hàng tại điểm giao dịch của Mobifone để chuẩn hóa thông tin thuê bao
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, sau ngày 31/3 đã có 1,67 triệu SIM bị khóa 1 chiều. Đến ngày 15/4 đã có 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều do không thực hiện chuẩn hóa (sau 15 ngày kể từ ngày bị khóa 1 chiều).
Đến hết ngày 04/5/2023 còn hơn 1 triệu thuê bao thuộc tập này đang bị khoá 2 chiều do chưa thực hiện chuẩn hoá thông tin theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Đến ngày 15/5 sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện chuẩn hoá.
Các nhà mạng và các cơ quan quản lý viễn thông đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để SIM rác và bảo vệ người dùng. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường kiểm soát đăng ký thuê bao di động thông qua quy trình xác thực chính xác và đầy đủ thông tin cá nhân.
Các nhà mạng cũng đã triển khai nhiều giải pháp, thông tin rộng rãi đến khách hàng có thông tin thuê bao di động chưa trùng khớp với CSDLQG về dân cư qua điện thoại từ tổng đài viên, hoặc tin nhắn của nhà mạng. Người dân có thể tự cập nhật thông tin thuê bao qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; qua trang web hoặc tại hệ thống các cửa hàng viễn thông khách hàng đang sử dụng trên toàn quốc.
Chị Hoàng Phương, trú tại Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết: “Thấy tổng đài VNPT điện thoại thông báo thuê bao tôi đang sử dụng có thông tin chưa trùng khớp nên tôi tranh thủ đến điểm giao dịch VNPT để nhờ nhân viên cập nhật lại. Tôi thấy giờ mình sử dụng sim chính chủ thì vẫn tốt hơn sim trôi nổi vì thông tin liên lạc của mình đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản trên môi trường mạng khá nhiều… nếu không may có vấn đề phát sinh mình vẫn được bảo vệ quyền lợi”.
Anh Bá Quyến, một tiểu thương tại Nguyễn Trãi, Thanh Xuân chia sẻ: “Từ thông tin trên báo chí, tôi đã đăng nhập vào địa chỉ: https://viettel.vn/chuan-hoa-thong-tin để thực hiện xác nhận bổ sung thông tin. Việc cập nhật khá nhanh chỉ từ 5 - 7 phút nên không tốn quá nhiều thời gian. Tôi thấy việc làm này cũng thiết thực, tránh tình trạng sim rác, sim không chính chủ gọi, nhắn tin lừa đảo trong thời gian tới”.
Ngoài ra, các nhà mạng tại Việt Nam như: Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã hướng dẫn khách hàng có thể dễ dàng tự kiểm tra chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chủ động tra cứu xem thông tin của mình bằng cách soạn tin nhắn: TTTB gửi 1414. Đây là tin nhắn miễn phí và áp dụng với mọi nhà mạng tại Việt Nam.
Để tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng việc cập nhật thông tin thuê bao di động gửi tin nhắn giả mạo, lừa đảo người dùng.... Người dân cũng cần lưu ý các tin nhắn, cuộc gọi chính thức từ các nhà mạng. Đồng thời, hết sức cảnh giác đề phòng với những số lạ, không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện nghi ngờ cần xác minh lại qua kênh thứ 2 như: gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc đến điểm giao dịch để xác minh lại, tuyệt đối không được cung cấp mã OTP hoặc bất cứ thông tin gì khi nhận cuộc gọi từ những đầu số lạ, tránh tình trạng mất sim hay dữ liệu cá nhân, thất thoát tài chính.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 06/2023).