Ảo hoá trải nghiệm - Cuộc đua mới của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu
Theo đó, nhờ vào ứng dụng metaverse các tài xế xe tự lái có thể vừa di chuyển vừa xem phim, các đại lý ô tô có thể giới thiệu cho khách hàng các khu trưng bày và giới thiệu xe "ảo" hay các kỹ sư có thể mô phỏng các bộ phận của xe để kiểm tra tính tương thích của chúng một cách dễ dàng.
Một trong những ứng dụng được "trình làng" tại CES năm nay là hệ thống truyền hình không cần thiết bị điều khiển từ xa trong ô tô của hãng sản xuất phụ tùng ô tô Valeo (Pháp). Người lái xe hoặc hành khách đeo thiết bị của hãng chỉ cần dùng tay vuốt nhẹ trong không khí, các cảm biến trong xe sẽ phát hiện chuyển động để chuyển kênh.
Theo bà Ghaya Khemiri, người đứng đầu dự án này tại Valeo, công ty đang tập trung nghiên cứu về ô tô điện và ô tô tự lái, đồng thời phát triển công nghệ cảm biến.
Các trải nghiệm của người dùng đang ngày càng được hoàn thiện nhờ vào sự phát triển của công nghệ trên mỗi hành trình.
Hệ thống truyền hình của Valeo mang tới CES năm nay đang trong quá trình thử nghiệm và dự định chủ yếu phục vụ hành khách đi xe. Tài xế có thể sử dụng ứng dụng này trong lúc dừng xe, như khi đang sạc điện cho ô tô. Khi các phương tiện hoàn toàn tự động, người lái xe có thể sử dụng nó khi đang đi trên đường.
Công ty khởi nghiệp Holoride (Đức), được hỗ trợ bởi nhà sản xuất ô tô Audi, đang bán kính thực tế ảo (VR) dành riêng cho hành khách ngồi phía sau. Với kính Holoride, người dùng có thể xem phim hoặc chơi trò chơi điện tử bằng bộ điều khiển và đồng bộ hóa nội dung VR với chuyển động của ô tô để tránh cảm giác buồn nôn. Phiên bản mới của kính này được trình làng tại CES năm nay có thể hoạt động trên bất kỳ loại ô tô nào.
Nhà sản xuất ô tô BMW (Đức) đưa ra ý tưởng về một chiếc xe của tương lai kết nối "thế giới thực và ảo". BMW giới thiệu một dự án tiềm năng liên quan đến trình chiếu hình ảnh thực tế tăng cường trên kính chắn gió, chẳng hạn như tốc độ hoặc hướng của ô tô và thậm chí có thể biến toàn bộ kính chắn gió thành màn hình để xem phim.
Theo báo cáo từ công ty tư vấn McKinsey, mặc dù có thể mất nhiều năm nữa mới con người mới có thể hoàn toàn trải nghiệm và tương tác trong không gian thực tế ảo nhưng các nhà kinh doanh đã biết nắm bắt và vận dụng những công nghệ phát triển thực tế ảo này.
Nhà sản xuất ô tô Fiat (Italy) vào tháng 12/2022 đã ra mắt "cửa hàng metaverse", nơi khách hàng có thể kiểm tra thông số kỹ thuật của xe ô tô và thậm chí mua xe với sự trợ giúp của một trợ lý trực tuyến.
Metaverse có thể giúp tạo ra các sản phẩm mới hoặc thử nghiệm chúng dễ dàng hơn trong các môi trường khác nhau. Báo cáo của McKinsey nhấn mạnh, nếu công nghệ tiếp tục được cải tiến, ví dụ như các thiết bị sử dụng công nghệ cảm ứng, khách hàng sẽ có thể trải nghiệm một bản sao "ảo" có độ chân thực cao của một chiếc ô tô như mở cửa, cảm nhận về chỗ ngồi, hay tăng tốc xe trên đường giống như khi sử dụng một chiếc xe thật. Hoặc khi một chiếc ô tô bị hỏng, kỹ thuật viên có thể hướng dẫn khách hàng sửa xe từ xa.