Bộ TT&TT yêu cầu nâng cao năng lực truyền thông của báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá
Báo chí là lực lượng chủ lực
Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí; cán bộ công chức, viên chức các sở TT&TT.
Phát biểu tại hội nghị, Thạc sỹ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản).
TS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong sớm. Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động, 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động.
Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm. Sức khỏe kém, tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng lao động của Việt Nam. Việc sử dụng thuốc lá cũng đang gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT Hồ Hồng Hải cho biết, Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tính đến nay, cả nước có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình gồm 67 Đài Phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội); 77 kênh phát thanh, 194 kênh truyền hình trong nước; 57 kênh truyền hình nước ngoài được biên tập để cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam.
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua. Việc tiếp tục nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết.
Những vấn đề cần đẩy mạnh truyền thông
Thực hiện Quyết định số 785/QĐ-BTTTT ngày 14/5/2024 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024, trong phạm vi hội nghị, Ban tổ chức đã cung cấp một số thông tin cụ thể về: Thuế thuốc lá - giải pháp y tế công cộng WIN-WIN; Thuế thuốc lá ở Việt Nam: sự cần thiết tăng thuế, đánh giá các phương án thuế, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của WHO; Tăng thuế thuốc lá và mối liên quan với tình trạng buôn lậu, việc làm; Vai trò của thuế thu nhập đặc biệt thuốc lá trong phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Theo Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc.
Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện được đánh giá ở mức thấp so với các quốc gia thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Việt Nam đã có 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; 2016 tăng từ 65% lên 70%; và 2019 tăng từ 70% lên 75%. Nhưng với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá do tăng thuế là không đáng kể. Thêm vào đó, tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm vượt xa mức tăng giá thuốc lá đã làm cho sức mua thuốc lá ngày càng tăng.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Phương án khuyến nghị này của Bộ Y tế và WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam, nữ xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.