Cần thay đổi tư duy về sở hữu trí tuệ để phát triển nền kinh tế tri thức
![]() |
![]() |
![]() |
Trong phần trao đổi với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, viên chức của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ trưởng đánh giá sở hữu trí tuệ là nền tảng để biến kết quả nghiên cứu thành tài sản thực sự. "Sở hữu trí tuệ biến kết quả nghiên cứu thành tài sản. Khi thành tài sản mới có thể định giá, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp để có vốn", ông nói. Kinh nghiệm các nước cho thấy quốc gia nào mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì phải mạnh về sở hữu trí tuệ.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: mst.gov.vn |
Theo Bộ trưởng, những quốc gia phát triển có tới 80% tài sản là tài sản vô hình, tài sản trí tuệ. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Không có trí tuệ toàn cầu, sẽ không có phát triển Việt Nam, nhất là phát triển hai con số". Năng lực nghiên cứu của Việt Nam hiện ở mức hạn chế, do đó cần sử dụng nghiên cứu khoa học, trí tuệ toàn cầu.
Tại buổi làm việc, báo cáo tình hình hoạt động của Cục SHTT, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho biết trong giai đoạn 2020-2024, Cục đã tiếp nhận hơn 707.000 đơn sở hữu công nghiệp, tăng 34,4% so với giai đoạn 2015-2019. Hơn 617.800 đơn được xử lý, đồng thời hơn 212.370 văn bằng được bảo hộ. Tuy nhiên, năm 2025 đặt ra thách thức lớn khi Cục phải kết thúc xử lý khoảng 208.000 đơn tồn đọng và đến hạn, tăng 46% so với năm 2024.
Bộ trưởng Hùng cho rằng sau 43 năm hình thành và phát triển, đã đến lúc Cục Sở hữu trí tuệ cần đổi mới căn bản. Bộ trưởng chỉ ra vai trò kép của cơ quan này: "Cục SHTT cũng như các đơn vị nhà nước khác có hai việc chính là thực hiện các công việc hằng ngày và làm tốt vai trò chính sách nhưng thường quên vai trò làm chính sách".
![]() |
Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long. Ảnh: mst.gov.vn |
Một trong những ưu tiên hàng đầu là nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ. "Không có nhận thức đúng thì không có những thứ tiếp theo", Bộ trưởng khẳng định. Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo Cục dành 5-10% kinh phí thường xuyên để tuyên truyền, đào tạo và thực hiện trong 5-10 năm để nâng cao nhận thức xã hội. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng phải đào tạo nhân sự chuyên ngành sở hữu trí tuệ trong trường đại học, xây dựng phương án tôn vinh những người làm sáng chế.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ hậu quả của việc thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ: "Không có SHTT, không ai muốn làm nghiên cứu. Không có bảo hộ không tạo ra được sân chơi để phát triển thị trường. Trộm cắp trí tuệ tràn lan sẽ không có sáng tạo trí tuệ, không có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Chuyển đổi số được xác định là yêu cầu cấp thiết. "Chuyển đổi số toàn diện hoạt động SHTT" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tăng năng suất lao động, tận dụng dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình xử lý đơn. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phải thiết kế lại quy trình phù hợp với một môi trường số. Không thay đổi quy trình thì đừng làm chuyển đổi số".
Lưu ý hệ sinh thái SHTT Việt Nam không được tách khỏi hệ sinh thái KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, người đứng đầu ngành KH&CN giao Thứ trưởng Hoàng Minh chủ trì việc định nghĩa hệ sinh thái SHTT; đồng thời nhanh chóng chỉ đạo xây dựng bộ chỉ số đo lường tài sản trí tuệ trong quý II/2025 bởi lẽ “Không có bộ chỉ số thì không đánh giá được hoạt động của ngành, lĩnh vực để thúc đẩy phát triển”.
Bộ trưởng cũng đề xuất luật hóa việc đào tạo về sở hữu trí tuệ hoặc bổ sung module vào các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo. "Muốn đào tạo về SHTT phải luật hóa hoặc phải bổ sung module vào các chương trình đào tạo ĐMST", Bộ trưởng.
Ngành sở hữu trí tuệ sẽ hoàn thiện pháp luật, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, chiến lược sở hữu trí tuệ để phù hợp bối cảnh mới. Đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa tài sản trí tuệ, xây dựng hệ sinh thái sở hữu trí tuệ gắn với hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: mst.gov.vn |
Tầm nhìn của Bộ trưởng Hùng về sở hữu trí tuệ vượt ra khỏi khái niệm truyền thống. "Cục SHTT phải xem xét biến kết quả sáng tạo nói chung thành tài sản. Một em học sinh có ý tưởng cũng có thể xem xét đăng ký thành hàng hóa, thị trường. TSTT thì vô hạn, còn tài sản vật chất là hữu hình. Tại sao không đẩy vô hạn lên?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Những định hướng mới này hứa hẹn biến sở hữu trí tuệ thành động lực then chốt giúp Việt Nam phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tri thức trong tương lai. Như Bộ trưởng Hùng khẳng định: "Trí tuệ là vô hạn. Nhiều quốc gia nhỏ nhưng vĩ đại nhờ tài sản trí tuệ".
Có thể bạn quan tâm


Số hóa di sản Phật giáo thời Lý bằng công nghệ hiện đại tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Cuộc sống số
Giải bài toán kinh tế báo chí, để báo chí phát triển
Đổi mới sáng tạo
Korea Travel Mart 2025 thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Hàn
Cuộc sống số