Nghị quyết số 68 - con đường đưa đất nước vươn lên phát triển thịnh vượng
Đây là quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết số 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 4/5/2025.
Đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân sau gần 40 năm đổi mới, Nghị quyết số 68 nêu rõ, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia
Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lạo động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 68 cũng nhìn nhận, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh trạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thế, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.
Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Tầm nhìn đến 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Nhà nước kiến tạo hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển bền vững
Nghị quyết 68 khẳng định nhất quán nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của kinh tế tư nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp được Nghị quyết 68 "lượng hóa" cụ thể.
![]() |
Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. |
Nghị quyết đề ra trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Phấn đấu đến năm 2028, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới.
Điểm khác biệt nhất trong nhóm giải pháp thứ 2 của Nghị quyết 68/2025 là tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Nghị định nêu rõ sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Nhiệm vụ tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao là một nhóm giải pháp riêng trong Nghị quyết 68/2025. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực được Nghị quyết 10/2017 nêu ra chung trong nhóm mục tiêu, giải pháp thứ 2 như đã nêu ở trên.
Ví dụ, Nghị quyết 68/2025 đề ra việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan.
Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, trên cơ sở yêu cầu, các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.
Đối với việc tiếp cận nguồn vốn, Nghị quyết 68/2025 đã quy định rõ ràng từng loại nguồn vốn hỗ trợ kinh tế tư nhân như có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Rà soát khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; khẩn trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương và các quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp, cho vay khởi nghiệp; Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động của các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi để đa dạng hóa nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một điểm mới của Nghị quyết 68 là nhóm giải pháp tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Nghị quyết nêu rõ việc xây dựng các chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm ngành, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Xác định việc doanh nghiệp lớn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa là một tiêu chí quan trọng để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm


Đột phá thể chế, pháp luật - Đòn bẩy để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Chuyển đổi số
Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Điểm nhấn trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chuyển đổi số
Dùng máy học để nâng cao hiệu suất quảng cáo cho các nhà phát hành game
Chuyển đổi số