Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số
Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (26/10/2004 - 26/10/2024).
Theo Chủ tịch VCCA Bùi Nguyên Hùng, kỷ nguyên số và internet mang đến nhiều cơ hội tiếp cận tại bất cứ nơi nào, vào thời gian nào tới các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng. Điều này cũng đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, khuyến khích phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
Ông Bùi Nguyên Hùng - Chủ tịch VCCA phát biểu tại diễn đàn.
“Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc bảo vệ bản quyền, đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền tác giả (quyền tác giả và quyền liên quan) nói riêng đã và đang là điều kiện bắt buộc tronng hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia. Việc thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan đã ký kết và tham gia nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam tại các nước thành viên đồng thời thực hiện nghĩa vụ pháp lý với các nước thành viên” - ông Bùi Nguyên Hùng chia sẻ.
Ông Bùi Nguyên Hùng cũng đăc biệt nhấn mạnh, với sự quan tâm hỗ trợ, kiến tạo của các cơ quan quản lý liên quan thuộc Chính phủ, VCCA cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp và các tác giả trong việc thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ bản quyền. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường sáng tạo lành mạnh, nơi sáng tạo được tôn vinh, bản quyền được tôn trọng, các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi, thảo luận các quy định pháp luật về quyền tác giả và phát triển công nghiệp văn hóa; Quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp hiện nay và những nội dung mới trong Luật sở hữu trí tuệ; Tình hình vi phạm bản quyền và hoạt động ngăn chặn tại Việt Nam; Khai thác nội dung số các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam và các nước trên thế giới…
Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sáng tạo và Bản quyền Việt Nam Lâm Thị Oanh nhận định, thị trường nội dung số có vai trò ngày càng lớn trong cuộc sống hiện đại. Theo bà Lâm Thị Oanh, các nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi cách chúng ta tiếp cận và tiêu thụ nội dung, cho phép các tác phẩm nghệ thuật số hóa dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu, từ đó mở rộng xuất khẩu văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế số. “Việc chuyển đổi số giúp các nhà sáng tạo giảm chi phí và tăng độ nhận diện, nhưng cũng đồng thời tạo ra thách thức lớn về bảo vệ bản quyền trong môi trường cạnh tranh khốc liệt” - bà Lâm Thị Oanh bày tỏ.
Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bộ VHTTDL Lê Minh Tuấn cho rằng, hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa cao. Các thành phần sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Thị trường nội dung số cạnh tranh khốc liệt; sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của công nghệ, đặc biệt trên môi trường số dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phức tạp. Việc thiếu cơ chế, chính sách cũng tạo nên rào cản.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN Trần Lê Hồng nhận định, quyền sở hữu trí tuệ là một trong những đối tượng có thể trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Nếu không có những đánh giá cụ thể, chúng ta phải trả giá đắt. Doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều tiền, thời gian để giữ được hoạt động kinh doanh bình thường” - ông Trần Lê Hồng chia sẻ. Cũng theo ông Trần Lê Hồng, Việt Nam đang chuyển dần từ một nước sử dụng sang nước tạo ra tài sản trí tuệ. Để phát triển sản xuất, kinh doanh với các tiêu chuẩn mới, doanh nghiệp buộc phải thích nghi, nỗ lực.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, bản quyền không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là vấn đề đạo đức, văn hóa và trí tuệ của một quốc gia. Nhiều người sáng tạo không nhận được sự tôn vinh và lợi ích xứng đáng, trong khi những người kinh doanh lại thu về lợi nhuận lớn từ các sản phẩm trí tuệ này. “Việc nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết, để bảo vệ tài sản trí tuệ của quốc gia và ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám” - ông Lê Doãn Hợp bày tỏ.