Bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Hội thảo diễn ra nhằm mục đích tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trong lĩnh vực bản quyền tác giả và các lĩnh vực liên quan về thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay; đặc biệt là các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận, cung cấp thông tin về một số nội dung cơ bản, quan trọng của các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh phát biểu tại hội thảo.
Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế.
Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú trọng và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế. Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất.
Việt Nam đã, đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 17 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển. Đồng thời, đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
Trong công tác xây dựng pháp luật, thời gian qua, pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được hoàn thiện. Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.
Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
“Được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới với nhiều nỗ lực gia nhập các tổ chức quốc tế và ký kết các hiệp định song phương, đa phương, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam là kết tinh của sự kế thừa, học hỏi các nước có nền lập pháp tiên tiến, mang nhiều tư tưởng và giá trị tiến bộ của thế giới. Trong đó, các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cũng được tiếp thu, tham khảo có chọn lọc và cập nhật phù hợp với hoàn cảnh đất nước”, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết.
Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, bà Phạm Thị Kim Oanh đánh giá, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới, những cơ hội và thách thức gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI, big data… cũng là bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Đồng thời, vẫn phải đảm bảo được một trong những nội dung cốt lõi là nguyên tắc “cân bằng lợi ích”, vốn được thiết kế nhằm bảo vệ quyền tiếp cận và sử dụng tác phẩm của xã hội và cộng đồng, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh mới hiện nay với một số vấn đề chủ yếu như: Thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hiện nay, tập trung vào một số nội dung trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; Thực trạng quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; Kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.
Các đại biểu cũng thảo luận một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn. Đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.