Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp SMEs bắt nhịp công nghệ để bứt phá kinh tế

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp SMEs bắt nhịp công nghệ để bứt phá kinh tế

Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhằm khôi phục đà tăng trưởng và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, thì việc chuyển đổi số được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết để giúp các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp SMEs nhanh chóng bắt nhịp với xu thế thời đại.

Báo cáo kinh tế Đông Nam Á mới đây nhất cũng ghi nhận, nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN đạt tỷ lệ 31%. Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam cũng thuộc Top đầu trong khu vực.

Số liệu báo cáo của Tập đoàn Meta vừa công bố cũng tổng hợp rằng, 73% người tiêu dùng ở Việt Nam đang sử dụng tin nhắn để liên lạc với các doanh nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Chuyển đổi số với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp SMEs là để thích ứng với thời đại công nghệ cũng như xu thế của người dùng hiện nay
Chuyển đổi số với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp SMEs là để thích ứng với thời đại công nghệ cũng như xu thế của người dùng hiện nay.

Đây là những xu hướng tích cực cho thấy sự sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc tham gia vào nền kinh tế số, cũng như sự năng động và nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Meta cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhằm giúp đưa hiện diện của doanh nghiệp lên nền tảng trực tuyến và hưởng lợi từ việc tham gia vào nền kinh tế số. Meta tự hào về mối quan hệ đối tác lâu dài với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua đó đã hỗ trợ hơn 32.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc. Cùng với đó, Meta vừa giới thiệu cuốn sổ tay điện tử giới thiệu các doanh nghiệp trên nền tảng số.

Đây là một dẫn chứng thể hiện sức mạnh của công cụ số trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng xuyên biên giới. Đồng thời, cũng là cơ hội giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế tăng cường khả năng khám phá thị trường, sản phẩm. Chương trình hỗ trợ này phản ánh cam kết lớn hơn của Tập đoàn Meta trong việc hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới nhằm đóng góp vào các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam.

Đây là năm thứ 6, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI hợp tác với Tập đoàn Meta triển khai Chương trình Meta Boost tại Việt Nam. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp cả nước thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhiều hoạt động đa dạng và hữu ích bao gồm: 7 diễn đàn trực tiếp; 3 hội thảo trực tuyến; 77 khóa đào tạo trực tiếp; 43 khóa đào tạo trực tuyến; ra mắt cuốn sổ tay điện tử giới thiệu 100 doanh nghiệp ngành hàng trà, cà phê, nông thủy sản; xây dựng 7 câu chuyện doanh nghiệp điển hình ứng dụng nền tảng Facebook...đã được triển khai.

Chuyển đổi số còn tạo đà để cho doanh nghiệp SMEs bứt phá để phát triển
Chuyển đổi số còn tạo đà để cho doanh nghiệp SMEs bứt phá để phát triển.

Các học viên từng tham gia vào các khóa đào tạo của chương trình còn được hỗ trợ quảng cáo, giúp họ vượt qua giai đoạn COVID-19. Tập đoàn Meta còn phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT trong các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phù hợp với định hướng quốc gia.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, VCCI đã phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp của Việt Nam. Sổ tay điện tử giới thiệu 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nền tảng số được giới thiệu và ra mắt với mục đích cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng khi mua sắm và cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác và khách hàng. Sổ tay điện tử cũng nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi kỹ thuật số và sử dụng các nền tảng trực tuyến để truyền thông.

Cùng đó là lát cắt tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách thấy được sự chuyển mình tích cực trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc bằng cách sử dụng các nền tảng số để tiếp cận khách hàng xuyên biên giới. VCCI dự kiến quảng bá cuốn sổ tay điện tử tới các đối tác trong và ngoài nước thông qua mạng lưới VCCI với mục tiêu tiếp cận 500.000 người.