'Cuộc chiến' chống SIM rác bước vào hồi quyết liệt

'Cuộc chiến' chống SIM rác bước vào hồi quyết liệt

Ngày 8/8, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết đến 31/8 sẽ hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng thực tế. Đây là nỗ lực trong "cuộc chiến" chống SIM rác do Bộ phát động.

'Cuộc chiến' chống SIM rác bước vào hồi quyết liệt

Ông Nhã bày tỏ hy vọng sau 31/8, thị trường viễn thông sẽ lành mạnh hơn, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo

Theo ông Nhã, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ cùng sự phối hợp của các nhà mạng và người dân, đến nay đã xử lý được 20% số thuê bao đứng tên nhiều SIM. 100% thuê bao của khách hàng là tổ chức đã được rà soát, làm rõ chủ sở hữu.

Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn tồn tại như thuê bao đăng ký ở nhiều địa phương trong thời gian ngắn, khách hàng không ký hợp đồng từ SIM thứ 4 trở lên. Chính vì thế, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin chính xác của người dùng trước 30/8.

Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các các nhà mạng sẽ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm tra thông tin thuê bao. Từ đó chuẩn hoá thông tin thuê bao và thường xuyên cập nhật, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác để đạt hiệu quả tối đa với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.

Bộ TT&TT cũng kêu gọi người dân chủ động cung cấp và cập nhật thông tin để tránh việc tạm dừng dịch vụ. Đồng thời triển khai các biện pháp, như: Thông báo, nhắn tin, làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ và kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới.

Thời gian qua, nạn tin nhắn rác, thông báo giả mạo ngân hàng đã gây bức xúc trong người dân. Việc đảm bảo trùng khớp thông tin thuê bao với người sử dụng nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng SIM rác, SIM nặc danh để gọi, nhắn tin rác, lừa đảo.

Ông Nhã bày tỏ hy vọng sau 31/8, thị trường viễn thông sẽ lành mạnh hơn, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo. Đồng thời, ông cũng mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền.

Thông tin thêm cho bạn:

Các nước phát triển trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát và hạn chế tình trạng SIM rác, tuy nhiên chưa thể khẳng định đã giải quyết triệt để.

Mỹ: Các nhà mạng yêu cầu người dùng phải đăng ký thông tin cá nhân khi mua sim, đồng thời áp dụng công nghệ giám sát và chặn cuộc gọi, tin nhắn rác. Tình trạng sim rác vẫn còn phổ biến.

Châu Âu: Người mua sim phải đăng ký bằng chứng nhận cá nhân. Các nước thành viên EU đang thống nhất quy định về sim điện thoại để kiểm soát chặt chẽ hơn. Tình trạng sim rác giảm đáng kể nhưng chưa dứt điểm.

Nhật Bản: Người dùng phải đăng ký thông tin cá nhân, nhà mạng áp dụng công nghệ hiện đại để phát hiện và chặn tin nhắn, cuộc gọi rác. Tuy nhiên, sim rác vẫn xuất hiện ở mức độ thấp.

Hàn Quốc: Áp dụng chính sách "thực tên thực họ" và công nghệ giám sát chặt chẽ để hạn chế sim rác. Tình trạng này giảm nhiều nhưng chưa hoàn toàn biến mất.

Như vậy, mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt, các nước phát triển vẫn chưa thể khẳng định đã triệt tiêu hoàn toàn SIM rác. Đây vẫn là thách thức chung đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.