Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật về chuyển giới

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật về chuyển giới

Sáng 10/4, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã trình bày tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật bản dạng giới trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tại thì người chuyển giới không có giấy tờ nhân thân đúng với giới tính mà mình mong muốn và thể hiện, bị tổn thương về tâm lý và phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Về đề xuất xây dựng luật, ông Trí cho hay việc này để khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh hai giới tính truyền thống là nam và nữ.

Đảm bảo những người chuyển giới được sống bình đẳng trong xã hội, khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân.

Cạnh đó, hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội....

Ông nêu rõ phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào hai dạng giới nam và nữ. Theo đó, luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ.

Dự luật dự kiến cho ba chính sách, trong đó, thứ nhất là quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Thứ hai là quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân.

Thứ ba là quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Nêu ý kiến thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đại biểu Trí đề nghị đưa dự án luật vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Theo ông Tùng, đa số ý kiến trong ủy ban cơ bản thống nhất việc đưa dự án luật vào chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Không vì dự án luật khó, nhạy cảm mà né tránh
Nêu ý kiến góp ý về dự án luật này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ ủng hộ đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp.

"Không nên vì dự án luật khó, nhạy cảm mà né tránh. Vấn đề này hiện nay cũng tương đối cởi mở. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thì vướng cả về thể chế và thực tiễn", ông Cường nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói đại biểu Nguyễn Anh Trí đã rất dũng cảm mới trình dự án luật có nội dung "rất nhạy cảm, ý kiến còn khác nhau và trên thế giới rất ít nước có luật này".

Bà Anh thông tin đã làm việc với đại biểu và có báo cáo riêng về dự án luật gửi Ủy ban Pháp luật gồm 30 vấn đề nêu ra, 3 kiến nghị. Đại biểu có tiếp thu, chỉnh sửa, song do thời gian ngắn nên việc tiếp thu, chỉnh lý còn có mức độ. Hơn nữa, nhiều nội dung trong số 30 vấn đề cùng 3 kiến nghị mà ủy ban nêu ra cũng chưa được làm rõ.

Cùng với đó, hồ sơ dự án luật chưa đáp ứng được theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ xây dựng luật, nhưng bà Thúy Anh đề nghị đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng mới được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong đó làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, tính khả thi cũng như rà soát các luật có liên quan.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh sự trân trọng đề xuất xây dựng luật của đại biểu Quốc hội.

Do còn ý kiến khác nhau nên ông Huệ đề nghị cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan, đại biểu Nguyễn Anh Trí và Chính phủ chuẩn bị thêm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay do còn ý kiến khác nhau nên các cơ quan làm việc với đại biểu Trí, báo cáo Chính phủ để thống nhất nội dung và báo cáo lại Thường vụ vào tháng 5-2023.

Trong đó, cần làm rõ, tên luật là Chuyển đổi giới tính hay Bản dạng giới. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung và thời gian.

"Đồng thời theo nguyên tắc một cơ quan làm. Nếu Chính phủ làm thì đại biểu thôi, còn nếu Chính phủ hoan nghênh, hỗ trợ đại biểu làm là tốt nhất.

Nếu được thông qua thì Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm hỗ trợ đại biểu làm", ông Định nêu và giao Ủy ban Pháp luật lấy ý kiến chính thức của Chính phủ.

Việc xây dựng dự án Luật Bản dạng giới, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, quyền chuyển đổi giới tính là cần thiết

Từ cơ sở thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Bản dạng giới là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền công dân, bao gồm quyền chuyển đổi giới tính trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. 

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật có liên quan đến quyền con người nói chung, quyền chuyển đổi giới tính nói riêng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, Luật được xây dựng dựa trên những quan điểm: Thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người; Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người.

Thể chế hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 của Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, Luật cũng bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch, khả thi, thuận tiện cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến quyền con người; phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính khi sinh được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.