Đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy phát triển báo chí trong giai đoạn hiện nay
Đổi mới nội dung, hình thức
Thực tế cho thấy, nhu cầu cập nhật thông tin của công chúng là luôn luôn có. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công chúng có thể có được vô vàn thông tin từ các diễn đàn, mạng xã hội. Điều này đòi hỏi những cơ quan báo chí phải cung cấp cho công chúng những thông tin giá trị.
Dù vậy, dưới áp lực cạnh tranh từ các tòa soạn, hệ thống mạng xã hội cũng như xu hướng đổi mới sáng tạo báo chí khiến người làm báo phải nỗ lực sáng tạo tác phẩm báo chí ngày càng tốt hơn về chất lượng, đẹp hơn về hình thức thể hiện, với mục tiêu cuối cùng là thu hút chú ý và gia tăng giá trị thông tin cho công chúng. Từ những trang báo in, báo điện tử thông thường, các toàn soạn đã nỗ lực chuyển đổi trình bày nội dung dưới dạng infographics, emagazine, long-form…
Ảnh minh họa.
Có thể khẳng định, khi chất lượng chuyên môn của người làm báo báo, chất lượng thông tin được cung cấp ngày càng được nâng cao, dẫn đến không chênh lệch, khác nhau về nội dung cơ bản từ các cơ quan báo chí, thì hình thức thể hiện sẽ nổi lên như một yếu tố lợi thế để cạnh tranh, thu hút sự quan tâm của công chúng nhiều hơn. Cùng một nội dung, vấn đề cần chuyển tải, cách trình bày nào độc đáo, hấp dẫn hơn, thuận tiện, phù hợp hơn, sẽ thu hút được sự quan tâm của công chúng, góp phần gia tăng hiệu quả chung của một tác phẩm báo chí.
Theo Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng, để thực hiện được như vậy, các tòa soạn truyền thống phải chuyển đổi mô hình sang mô hình tòa soạn số. “Mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số là đích của sự chuyển đổi số. Mô hình này phải đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số - Công nghệ số - Công chúng số - Kinh tế số - Hệ sinh thái số” - bà Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hằng, việc chuyển đổi từ mô hình truyền thông sang mô hình báo chí sáng tạo và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, đòi hỏi những bộ phận mới, các vị trí công việc mới, những yêu cầu mới, nguyên tắc mới cho những vị trí việc làm cũ. Điều này dẫn tới sự thay đổi mạnh trong nhu cầu nhân lực báo chí truyền thông cho chuyển đổi số.
Trên thực tế, trong thời kỳ bùng nổ các kênh truyền thông kỹ thuật số, vai trò của các thành phần bổ sung cho nội dung báo chí truyền thống gần như là một yếu tố không thể thiếu. Không chỉ là cạnh tranh, mà còn là sự tận dụng lợi thế về công nghệ; là sự tích hợp giữa báo chí và công nghệ theo xu hướng báo chí dữ liệu, tận dụng khả năng kết nối với các nguồn số liệu và thuật toán xử lý được hỗ trợ.
Đòi hỏi đổi mới công cụ trình bày
Báo chí hiện đại đòi hỏi người làm nhà báo phải đổi mới, trang bị những kiến thức, kỹ năng mới. Những kỹ năng này góp phần ngày càng quan trọng trong kỹ năng tác nghiệp, thể hiện nội dung. Có thể kể đến như quay phim, xử lý đồ họa, thiết kế truyền thông… Mặt khác, xu hướng báo chí chuyên sâu cũng đòi hỏi các kiến thức chuyên môn đối với nhà người làm báo trong từng lĩnh vực cụ thể. Người làm báo thậm chí còn phải biết cách sử dụng các phần mềm chuyên ngành hỗ trợ tổng hợp số liệu, làm sạch số liệu; phân tích mô hình từ các số liệu thô để cô đọng được thông tin có ý nghĩa. Kéo theo, những công việc mới được hình thành, như quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, kỹ thuật lập trình… Do vậy, các tòa soạn cần phải đẩy mạnh đổi mới hạ tầng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nghe ông Đào Quang Bính - Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam giới thiệu về chatbot Askonomy do tạp chí ứng dụng để phục vụ bạn đọc. Ảnh: Nguyễn Huế.
Chia sẻ tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. “Công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “ai, cái gì, ở đâu và khi nào”. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. “Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Cùng quan điểm bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, tòa soạn số phải hội tụ 4 khu vực: Khu vực sản phẩm số (hoạch định chiến lược nội dung số); Khu vực hoạt động nghiệp vụ số (bao gồm: Xác định các vị trí nghiệp vụ chính, nhân lực và vật lực bên trong tòa soạn đảm trách tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm báo chí số và dịch vụ giá trị gia tăng, các đối tác chính của cơ quan báo chí); Khu vực công chúng số (phân khúc công chúng, khách hàng số, quan hệ khách hàng, tiếp thị, thực hiện chiến lược phát triển công chúng/khách hàng số); Khu vực kinh tế số (quản trị, kinh doanh sản phẩm báo chí số và các dịch vụ giá trị gia tăng).
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ thực tiễn này, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí số, lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số; gắn liền với các loại hình truyền thông mới, trên nền tảng số. Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa việc sản xuất nội dung, phân phối nội dung lên môi trường số; đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp, của cơ quan báo chí; tạo ra cơ hội, các giá trị gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu để không chỉ dựa vào quảng cáo, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng.