Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “Vượt sóng”, FPT đã được vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có Năng lực Quản trị tài chính tốt năm 2022.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp FPT và là công ty công nghệ duy nhất được xướng tên trong danh sách này, bên cạnh những công ty đầu ngành khác như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Vinamilk, Masan,...
Năm 2022, với chiến lược quản trị, vận hành bằng dữ liệu theo thời gian thực, lấy khách hàng làm trung tâm, mở rộng các giải pháp đột phá trong công nghệ, FPT tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao và ổn định. 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn lần lượt đạt 35.105 tỷ đồng và 6.456 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 24,4% và 24% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 4.550 tỷ đồng và 4.158 đồng, tăng 30,7% và 30%. Đồng thời, nhờ bám sát chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ mới với giá trị gia tăng cao cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số giúp tối ưu chi phí vận hành, tỷ suất lợi nhuận của FPT tiếp tục được cải thiện, đạt 15,7% cho biên lợi nhuận ròng.
Đặc biệt, trong bối cảnh bất ổn kinh tế, chính trị trên toàn cầu, FPT vẫn duy trì được tăng trưởng cao ở các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, châu Á Thái Bình Dương (APAC). Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn đạt 15.249 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30%, trong đó, thị trường Mỹ tăng 46%, APAC tăng 46,6%, Nhật Bản tăng 26,4% (theo nguyên tệ).
Là công ty công nghệ thông tin (CNTT) đầu tiên niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán Tp. HCM vào năm 2006, FPT không ngừng nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch hóa thông tin trong các hoạt động. FPT luôn đảm bảo thực hiện công bố thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Tất cả các bên liên quan đều có thể tiếp cận thông tin FPT cần công bố theo quy định trên website của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, FPT còn chủ động cung cấp những thông tin có giá trị, từ xu hướng thị trường CNTT, những yếu tố kinh tế vĩ mô/vi mô tác động tới ngành, định hướng chiến lược, kế hoạch, kết quả kinh doanh và hoạt động của Tập đoàn… Các báo cáo kết quả kinh doanh hàng tháng, hàng quý hay thông tin về định hướng, chiến lược kinh doanh cũng được FPT gửi đến cổ đông và các nhà đầu tư thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các cuộc gặp gỡ trao đổi định kỳ.
Theo kết quả đánh giá về Phát triển bền vững do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), FPT luôn đạt điểm tối đa 100% về đảm bảo vai trò của các bên liên quan và công bố, minh bạch thông tin.
Chương trình “Đánh giá Năng lực hoạt động Doanh nghiệp 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) triển khai.
Chương trình được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá năng lực hoạt động của hơn 1.500 doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam thông qua Báo cáo tài chính công khai hàng năm với 21 tiêu chí cụ thể. Từ doanh thu, lợi nhuận, vòng quay vốn lưu động, chỉ số thanh toán nhanh, số vòng quay hàng tồn kho, khả năng thanh toán lãi vay, hiệu suất sử dụng tài sản cố định, lãi cơ bản trên cổ phiếu, chỉ số về thuế, đóng góp cho ngân sách, chỉ số về bán hàng và marketing, chỉ số nguồn nhân lực, hệ thống tổ chức, chỉ số quản lý điều hành… Từ đó cho phép hiểu rõ sức khỏe cũng như trình độ quản trị của doanh nghiệp.