Giáo dục đạo đức nghề nghiệp để nhà báo 'đi đường xa'
Yếu tố thứ nhất và thứ hai có thể chưa tốt thì người làm báo chỉ phát triển chậm thôi, nhưng yếu tố đạo đức, trách nhiệm mà không vững thì nhà báo… đi lạc đường luôn.
Cho nên, dù không phải là yếu tố đầu tiên và có tần suất xuất hiện lớn nhất tới quá trình hoạt động của người làm báo, nhưng đạo đức, trách nhiệm của nghề nghiệp lại quan trọng nhất trong sự nghiệp làm nghề của một người làm báo.
Nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VOV
Đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp giúp người làm báo giữ được các nguyên tắc nghề nghiệp để phụng sự công chúng trong quá trình đưa tin, lấy tiêu chí phụng sự con người làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Bởi vậy, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo là vô cùng cần thiết, và phải được thực hiện ngay khi người làm báo còn ngồi trên ghế giảng đường. Đó là việc quan trọng hàng đầu trong quá trình đào tạo ra một người làm báo. Như đã phân tích ở trên, kỹ năng, tri thức chưa tốt thì có thể sẽ khiến người làm báo “đi chậm” thôi”, và thời gian, sự tích lũy, tự học hỏi sẽ giúp họ tốt dần lên. Còn thiếu đạo đức, trách nhiệm thì là đã “đi sai đường” rồi.
Tôi nghĩ việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm cho người làm báo phải được quan tâm mạnh mẽ ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
TS. Phan Văn Kiền
Đối với người làm báo, kinh nghiệm, tri thức có thể bồi đắp dần trong quá trình làm việc, nhưng đạo đức, trách nhiệm xã hội lại phải được hình thành và rèn luyện ngay từ đầu. Bởi nó là nhân cách, phẩm cách của người làm báo, nó có thể, nhưng thường ít khi hình thành trong quá trình làm nghề, nếu không muốn nói rằng quá trình làm nghề dễ xói mòn, suy thoái các phẩm chất này.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đều có học phần liên quan đến pháp luật và đạo đức báo chí, truyền thông, dù mức độ quan tâm ở mỗi đơn vị có sự khác nhau. Có đơn vị chỉ đưa học phần này như là một học phần tự chọn, tức là sinh viên được lựa chọn có thể học hoặc không.
Bên cạnh đó, học phần pháp luật đạo đức báo chí, truyền thông ở hầu hết các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay vẫn đang để chung hai nội dung pháp luật và đạo đức ghép chung trong một học phần. Và các giảng viên khi giảng dạy thường chú trọng hơn vào các vấn đề pháp luật, đặc biệt là các bộ luật báo chí. Vấn đề đạo đức báo chí, truyền thông đang được giảng dạy dựa trên bản Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành và một số nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp quan hệ công chúng khác.
Trong bối cảnh bức thiết của vấn đề bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo, khi giảng dạy về đạo đức báo chí, các giảng viên và đơn vị đào tạo cần mở rộng hơn đến các vấn đề luân lý thay vì chỉ quan tâm tới các vấn đề đạo đức mang tính nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là các vấn đề về hệ tư tưởng, về quyền lực xã hội, về chính trị thường thức…trong quá trình thông tin.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh truyền thông số phát triển phức tạp như hiện nay, các học phần pháp luật báo chí, truyền thông cần được bổ sung một số nội dung mới như Luật An ninh mạng, Luật tiếp cận thông tin, Luật bản quyền… Như vậy, có thể sẽ cần phải tách nội dung pháp luật báo chí truyền thông thành một học phần riêng cùng với học phần Đạo đức báo chí truyền thông.
Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, học phần pháp luật và đạo đức báo chí truyền thông luôn được cập nhật các nội dung thường xuyên. Lần chỉnh sửa chương trình gần nhất, nội dung liên quan đến Luật An ninh mạng, Luật tiếp cận thông tin, Luật bản quyền… đã được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức bắt buộc cho sinh viên. Các vấn đề luân lý như đã nói ở trên cũng đã được giảng dạy từ lâu trong chương trình.
Ngoài ra, vấn đề đạo đức và pháp luật cụ thể, đặc biệt là các nguyên tắc nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội… là nội dung bắt buộc trong các học phần về kỹ năng nghề nghiệp tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
TS. Phan Văn Kiền
Viện trưởng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội