Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần hoàn thiện chính sách quốc gia qua tư vấn phản biện
Sáng 19/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị giao ban các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngành toàn quốc năm 2024.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng
Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, cho biết tổ chức hiện có 93 hội ngành toàn quốc là thành viên, thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng rộng lớn của Liên hiệp Hội Việt Nam trong cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam.
Theo đó, Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 15 Hội ngành toàn quốc đã được Liên hiệp Hội Việt Nam hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài tư vấn phản biện, hội thảo tư vấn phản biện và có những hoạt động tư vấn phản biện sôi nổi, bám sát tình hình Kinh tế - Xã hội của đất nước, góp ý Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Dự thảo Luật Quảng cáo; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Luật Tài nguyên nước, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT, Luật Đường sắt, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật …
Đồng thời, phản biện các Nghị quyết của Trung ương và một số địa phương như Tổng hội Cơ khí Việt Nam góp dự thảo Nghị quyết do Bộ Công Thương soạn thảo trình Thủ tướng quyết định và các ngành nghề sản phẩm cơ khí cần ưu tiên phát triển thuộc chiến lược phát triển Cơ khí Việt Nam giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2030. Tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo nghị định và thông tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Hội ngành toàn quốc. Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
"Các Hội ngành toàn quốc luôn có vai trò quan trọng đối với công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Trong đó, đặc biệt thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hoạt động Phổ biến kiến thức để phản ánh khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN."
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Các đồng chí lãnh đạo, hội viên của các Hội thường xuyên được mời tham gia làm thành viên của nhiều Hội đồng khoa học tư vấn, phản biện các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học tư vấn phản biện, như Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam kiến nghị Chính phủ giải quyết tình trạng thiếu kiểm soát trong nhập khẩu sản phẩm thịt và gia cầm sống vào Việt Nam. Hội Thiết bị y tế Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò tư vấn phản biên các dự án liên quan các dự án đầu tư, xây dựng mới các Bệnh viện, cơ sở y tế.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng
Các Hội nghành toàn quốc đã phối hợp với các hội thành viên tại địa phương triển khai hoạt động tư vấn phản biện nhiều dự thảo quy hoạch, chương trình , đặc biệt là tư vấn phản biện các đề tài cấp sở, cấp tỉnh, tham gia các hội đồng thẩm định các đề tài, dự án khi được các Bộ, ngành mời, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật như: Hội Đo lường Việt Nam đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện và giám sát quá trình xây dựng và thực hiện Đề án đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập. Thông qua việc triển khai các hoạt động tư vấn phản biện, các Hội Nghành toàn quốc đã góp phần hoàn thiện các chính sách, pháp luật, chủ trương đầu tư ở cả Trung ương và địa phương.
Phát triển khoa học công nghệ: Hội ngành toàn quốc đóng vai trò quan trọng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, một số Hội nghành toàn quốc đã triển khai các đề tài, nhiệm vụ, dự án Khoa học công nghệ từ nguồn kinh phí do Liên hiệp Hội Việt Nam hỗ trợ , đồng thời đăng ký các đề tài, nhiệm vụ, dự án Khoa học công nghệ cấp nhà nước và các đề tài nghị định thư. Một số Hội thực hiện các chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia như: Hội Vật lý Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình Phát triển Vật lý giai đoạn 2021-2025.
Phòng thí nghiệm của Trung tâm nano và năng lượng tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nri.gov.vn
Các Hội Hội nghành toàn quốc đã quan tâm phối hợp nhiều hơn hoạt động với các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác đề xuất, tham mưu chính sách trong các lĩnh vực chuyên ngành, Hội Chăn nuôi Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng chăn nuôi phối hợp soạn thảo và gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị xem xét giải quyết ba vấn đề đang tồn tại, vướng mắc, bất hợp lý gây nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí đối với doanh nghiệp và người sản xuất chăn nuôi. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện nghiên cứu về kinh tế tư nhân và thể chế, phối hợp với Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu về FDI trong bối cảnh mới.
Nhiều hội viên của Hội Giống cây trồng Việt Nam đã nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được nhà nước và đông đảo bà con nông dân đánh giá cao như giống lúa lai thơm có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo ngon, năng suất cao; sản xuất hạt lai F1 đạt năng suất cao. Trung tâm Hỗ trợ, chuyển giao công nghệ hoa, cây cảnh và phát triển nông thôn (đơn vị thuộc Hội Sinh vật cảnh VN) theo dõi, đánh giá tác động và hiệu quả phát triển Hợp tác xã nông nghiệp (sau khi thực hiện Luật Hợp tác xã sửa đổi), hỗ trợ các mô hình chuyển đổi sản xuất từ cây nông nghiệp không hiệu quả sang sản xuất hoa, cây cảnh mang lại hiệu quả cao tại tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang... phối hợp với Hội SVC các tỉnh mở lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật trồng, lai ghép, chăm sóc sinh vật cảnh.
Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục mong muốn các Hội ngành toàn quốc sẽ tiếp tục tích cực tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm cao đối với việc xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ở trong và ngoài nước, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Một số Hội nghành toàn quốc đã phối hợp cùng với Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) và truyền thông nhân dịp các ngày Môi trường Thế giới 5/6, Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Đại dương quốc tế 8/6, Tuần lễ nước sạch và Vệ sinh môi trường, tham gia ban tổ chức, ban giám khảo, ban thư ký của Giải thưởng, hội thi, cuộc thi của VIFOTEC.
Đơn cử, Hội đồng Cây Di sản thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức trên 30 Lễ vinh danh Cây Di sản cuộc họp Hội đồng và đã trình Hội công nhận gần 100 Cây Di sản, phối hợp tổ chức vinh danh theo các hình thức rất đa dạng, hiệu quả cao tại gần 30 địa điểm thuộc các địa phương như Cao Bằng, Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Cần Thơ, An Giang...
Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thủy sản; Cục Kiểm ngư, Ủy ban nhân dân tỉnh khánh Hòa tổ chức đối thoai của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngư dân; Phối hợp với Chi cục thuỷ sản tại các địa phương, đại diện các Khu Bảo tồn biển/Vườn Quốc gia Việt Nam (KBTB/VQG), các chuyên gia, đại diện Nhà tài trợ: IUCN, WWF, GreenHub, Biofin/UNDP và GEF/SGP đã tổ chức họp tham vấn, tập huấn tích hợp nâng cao năng lực cho mạng lưới Khu Bảo tồn biển/Vườn Quốc gia Việt Nam. Hiện nay Hội đang nghiên cứu phối hợp với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác Đồng quản lý nghề cá trong năm 2024.
Một số Hội nghành toàn quốc đã rất tích cực tham gia viết bài cho các tạp chí, kỷ yếu chuyên ngành, tham gia giảng dạy, tham gia thực hiện các Chương trình, Dự án, Đề tài Khoa học và Công nghệ
Nâng tầm tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Tại Hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, nhấn mạnh vai trò then chốt của các Hội ngành toàn quốc trong việc đoàn kết và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông cũng cho biết Liên hiệp Hội Việt Nam đang triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, hướng tới xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và hạn chế tối đa những hạn chế, khó khăn, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương đề nghị các Hội ngành toàn quốc thực hiện một số nội dung trong thời gian tới:
Một là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; củng cố và phát triển tổ chức; tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; truyền thông và phổ biến kiến thức; nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; tôn vinh trí thức và hợp tác quốc tế về Khoa học và Công nghệ.
Hai là, chủ động triển khai thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội ngành toàn quốc. Tham gia tích cực và đẩy mạnh hoạt động của Khối thi đua các Hội ngành toàn quốc mà Hội là thành viên. Có các hoạt động cụ thể hưởng ứng phong trào thi đua hướng tới chào mừng Đại hội IX (nhiệm kỳ 2025-2030) của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Ba là, phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam kiến nghị, đề xuất các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, có lộ trình cụ thể chuyển giao một số dịch vụ công phù hợp cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đảm nhận.
Bốn là, mở rộng mối quan hệ liên kết giữa Hội ngành toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp để tăng thêm điều kiện và nguồn lực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các Hội ngành toàn quốc với các Hội nghề nghiệp quốc tế trong các hoạt động chuyên môn, chú trọng quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.
Sáu là, xây dựng báo cáo, phụ lục tham gia tổng kết công tác củng cố, phát triển tổ chức và kết quả hoạt động của các Hội ngành toàn quốc giai đoạn 2021-2024 làm căn cứ để Liên hiệp Hội Việt Nam xây dựng các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2025-2030).