Một số điểm chính trong Thông tư 68 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Ảnh minh họa.
Nội dung Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính có một số điểm chính, như sau:
Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền
Tại Điều 1, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TT-BTC BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Cụ thể, Thông tư mới quy định, nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ 02 trường hợp: (1) nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này; (2) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi NĐTTCNN) mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định tại Điều 9a Thông tư này.
Thông tư 68/2024/TT-BTC đã bổ sung Điều 9a về “Giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của NĐTNN là tổ chức”.
Thông tư quy định, công ty chứng khoán (CTCK) thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của NĐTTCNN để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa CTCK và NĐTTCNN hoặc đại diện theo ủy quyền của NĐTTCNN.
Trường hợp NĐTTCNN không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho CTCK nơi NĐTTCNN đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
Thông tư cũng quy định rõ, CTCK được chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán (trường hợp không thực hiện được bán thỏa thuận do giá chuyển nhượng cổ phiếu nằm ngoài biên độ giá hoặc khối lượng cổ phiếu không đáp ứng khối lượng giao dịch thỏa thuận tối thiểu của Sở giao dịch chứng khoán) đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của mình cho NĐTTCNN thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc này phải được thực hiện chậm nhất vào ngày giao dịch liền kề sau ngày cổ phiếu được hạch toán vào tài khoản tự doanh của CTCK và đảm bảo không làm vượt quá hạn mức tối đa về tỷ lệ sở hữu của NĐTNN theo quy định pháp luật đối với cổ phiếu đó.
Trường hợp CTCK không chuyển quyền sở hữu số chứng khoán nêu trên cho NĐTTCN (do hết room hoặc do NĐTTCNN không thực hiện mua lại…), CTCK bán số cổ phiếu đó trên TTCK.
Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 2, khoản 3, 4 Điều này được thực hiện theo thỏa thuận giữa CTCK và NĐTTCNN hoặc đại diện theo ủy quyền của NĐTTCNN.
Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng quy định rõ, ngân hàng lưu ký nơi NĐTTCNN mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền và các chi phí phát sinh (nếu có) trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của NĐTTCNN với CTCK dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.
Đảm bảo thanh toán cho giao dịch không yêu cầu đủ tiền của NĐTTCNN
Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Cụ thể, Thông tư 68/2024/TT-BTC bổ sung Điều 35a về thanh toán giao dịch mua cổ phiếu của NĐTNN là tổ chức quy định tại Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC.
Thông tư mới nêu rõ, NĐTTCNN đặt lệnh mua cổ phiếu phải có đủ tiền trên tài khoản trước thời điểm thành viên lưu ký phải chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán. Việc bù trừ, thanh toán giao dịch mua cổ phiếu được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
NĐTTCNN đặt lệnh mua cổ phiếu thiếu tiền thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC, VSDC thực hiện chuyển nghĩa vụ thanh toán giao dịch mua cổ phiếu thiếu tiền của NĐTTCNN thành nghĩa vụ của CTCK nơi NĐTTCNN đặt lệnh mua cổ phiếu (qua tài khoản tự doanh của CTCK) tại ngày thanh toán, căn cứ vào các thông báo:
- Trường hợp NĐTTCNN mở tài khoản lưu ký tại CTCK, CTCK thông báo cho VSDC về việc NĐTNN thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu và thông tin giao dịch đề nghị chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của CTCK;
- Trường hợp NĐTTCNN mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng lưu ký thông báo cho VSDC về việc NĐTTCNN thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu và từ chối thanh toán giao dịch thiếu tiền đó.
“CTCK phải đảm bảo đủ tiền để thanh toán cho giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều này. CTCK bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và quy chế của VSDC trong trường hợp không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này.”
CTCK đảm bảo an toàn thanh toán cho hoạt động thanh toán của NĐTTCNN
Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Khoản 2 Điều 3 Thông tư 68/2024/TT-BTC quy định về hạn mức mức nhận lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền của NĐTTCNN vào đầu ngày giao dịch và lưu giữ tài liệu, thông tin xác định hạn mức này, cụ thể:
- Hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu bằng tổng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền nhưng không vượt quá hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán;
- Các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ; tiền gửi ngân hàng, công cụ nợ của Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi chưa được sử dụng để đảm bảo cho các nghĩa vụ tài chính; hạn mức thấu chi khả dụng; hạn mức bảo lãnh thanh toán (nếu có) được các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài cấp; tiền bán chứng khoán tự doanh chờ về; phải thu ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch; tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC để đảm bảo khả năng thanh toán cho giao dịch mua cổ phiếu của mình;
- Vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán được xác định căn cứ theo báo cáo tài chính quý được lập tại kỳ gần nhất trước thời điểm tính toán. Trường hợp công ty chứng khoán là công ty mẹ, vốn chủ sở hữu được xác định căn cứ theo báo cáo tài chính quý hợp nhất sau khi đã loại trừ lợi ích của cổ đông không kiểm soát.
Đồng thời, để tuân thủ quy định về sở hữu chéo tại Luật Doanh nghiệp, Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng quy định CTCK ngoài việc phải tuân thủ hạn mức nhận lệnh nêu trên, CTCK không nhận lệnh mua cổ phiếu của chính công ty chứng khoán đó, không nhận lệnh mua cổ phiếu của công ty mẹ của chính công ty chứng khoán. Trường hợp các công ty con của cùng một công ty mẹ của công ty chứng khoán sở hữu cổ phiếu của công ty chứng khoán đó thì công ty chứng khoán không được nhận lệnh mua cổ phiếu của các công ty con đó.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng quy định về hạn mức đầu tư của CTCK như sau “Trường hợp công ty chứng khoán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC dẫn đến vượt quá hạn mức đầu tư quy định tại khoản 4 Điều này, công ty chứng khoán không được tiếp tục nhận lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức cho đến khi đáp ứng hạn mức đầu tư và phải áp dụng các biện pháp cần thiết trong thời hạn tối đa 01 năm để tuân thủ hạn mức đầu tư”
Công bố thông tin của CTCK nhận lệnh giao dịch của NĐTTCNN không yêu cầu đủ tiền
Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
- CTCK thực hiện công bố thông tin về việc NĐTTCNN không thực hiện mua lại cổ phiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC trên phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK, VSDC và của chính CTCK nơi NĐTTCNN đặt lệnh trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thực hiện mua lại cổ phiếu theo quy định (khoản 2 Điều 4 Thông tư 68/2024/TT-BTC).
- CTCK là người có liên quan của người nội bộ của tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch khi thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC không phải thực hiện công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Trường hợp thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 4 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC, việc miễn trừ công bố thông tin được áp dụng cho giao dịch thực hiện trong vòng 4 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán (khoản 3 Điều 4 Thông tư 68/2024/TT-BTC).
- CTCK là người có liên quan của người nội bộ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán phải công bố thông tin và báo cáo UBCKNN, SGDCKvà thông báo cho tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch khi giá trị giao dịch trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá, bao gồm trường hợp chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán trong thời hạn 24 giờ kể từ các thời điểm sau đây: (1) Hoàn tất việc thanh toán giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 35a Thông tư số 119/2020/TT-BTC; (2) Hoàn tất việc bán cổ phiếu theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC (khoản 4 Điều 4 Thông tư 68/2024/TT-BTC).
Công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh của Công ty đại chúng (CTĐC)
Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi Điều 5 Thông tư số 96/2020/TT-BTC về ngôn ngữ công bố thông tin trên TTCK như sau:
Ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt. Tổ chức niêm yết, CTĐC, Sở giao dịch chứng khoán, VSDC thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Thông tin công bố bằng tiếng Anh phải bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt. Trường hợp có sự khác biệt hoặc có cách hiểu khác giữa thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì thông tin bằng tiếng Việt được áp dụng.
Thông tư 68/2024/TT-BTC quy định về lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh của CTĐC như sau:
Tổ chức niêm yết, CTĐC thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo lộ trình như sau:
- Tổ chức niêm yết, CTĐC quy mô lớn công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025;
- Tổ chức niêm yết, CTĐC quy mô lớn công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của CTĐC đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026;
- CTĐC không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2027;
- CTĐC không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của CTĐC đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.