Theo các chuyên gia, so với lĩnh vực Internet, điện, cơ khí,... ngành chip có những đặc thù nhất định. Những người ra trường, đi làm cho biết, lương của kỹ sư chip đôi khi cao hơn cả quản lý của họ. Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng được săn đón. Lao động ngành này chia làm ba nhóm cơ bản là thiết kế, sản xuất và đóng gói.
Lương và thu nhập ở lĩnh vực vi mạch tại Nhật Bản là bao nhiêu?
Tại Nhật Bản, mức lương ở lĩnh vực vi mạch hiện rất cao, có mức lương khủng so với các lĩnh vực khác. Đặc thù là lương thường tính theo năm, lương cơ bản đa phần đều gần như nhau, phần chênh lệch thường là từ thưởng (trung bình khoảng 3-8 tháng lương/năm) và các chế độ phụ cấp. Lương sẽ tăng theo năm kinh nghiệm là chính, ngoài ra, còn có thêm phần thu nhập từ giá trị cổ phiếu, cổ phần mà tùy từng công ty đưa ra.
Top 50 công ty có thu nhập cao tại các lĩnh vực thì công ty ở lĩnh vực vi mạch chiếm tỷ trọng lớn
Ảnh: Group Cộng đồng vi mạch Việt Nam
Theo danh sách 50 công ty có mức lương cao nhất tại Nhật Bản, có những doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn như Keyence (chuyên bán các thiết bị điện, cảm biến, bộ điều khiển logic, máy đo...) lương thuộc hàng "khủng". Ngoài ra, còn có các công ty như Tokyo Electron, Lasertec, Disco cung cấp máy móc, thiết bị để làm bán dẫn hay Sony, một trong những thương hiệu điện tử tiêu dùng nổi tiếng toàn cầu nhờ vào sự đột phá trong sáng tạo và chất lượng sản phẩm.
Nhìn vào số liệu trên cho thấy, các công ty hàng đầu về công nghệ điện tử, chip, vi mạch chiếm tỷ trọng lớn. Độ tuổi trung bình của nhân sự dao động từ 35 - 45 tuổi và thu nhập trung bình từ khoảng 2,5 - 5 tỷ đồng/năm.
Ảnh: Group Cộng đồng vi mạch Việt Nam.
Cũng theo số liệu thống kê trên, có thể dễ dàng nhận ra lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Nhật Bản, thu nhập bình quân năm cao hơn hẳn so với các lĩnh vực khác trong ngành công nghệ như điện, điện tử, cơ khí. Thậm chí thu nhập của họ còn cao hơn cả giám đốc, quản lý dự án, quản lý chất lượng. Thu nhập sẽ càng cao hơn khi độ tuổi và kinh nghiệm ngày càng được vun đắp theo thâm niên công tác.
Sony vẫn đang có thứ hạng trả lương cao so với các công ty cùng lĩnh vực, bên cạnh đó còn có thêm nhiều phụ cấp và quyền lợi Ảnh: Group Cộng đồng vi mạch Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix,... Các công ty trong nước chỉ có VHT và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip, các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.
Về dài hạn, việc triển khai chiến lược chuyển đổi kinh tế số giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP, sẽ gặp thách thức do Việt Nam khó chủ động về nguồn cung, giá thành chip và thiết bị công nghệ khiến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cao hơn.
Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khu vực (Thái Lan, Singapore, Malaysia,...) trong thu hút đầu tư và gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Trong trường hợp có xung đột chính trị hoặc có quan hệ căng thẳng với nước sản xuất chip, Việt Nam có thể chịu tác động rất lớn do không làm chủ được công nghệ và sản xuất.
Thách thức nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam đang ở công đoạn gia công (cả ở công đoạn thiết kế và sản xuất), chưa xuất hiện đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.
Mới đây, dựa trên một phương pháp kỹ thuật chủ lực để có thể phát triển những vật liệu mới, PGS Lê Đức Anh đã thành công bước đầu trong nghiên cứu vật liệu bán dẫn có cả 2 tính năng là sắt từ và siêu dẫn. Với nỗ lực này, PGS Lê Đức Anh đã nhận giải thưởng của cộng đồng dùng kỹ thuật nói trên (có tên là Molecular Beam Epitaxy - MBE) và của Đại học Tokyo trong năm 2022.
Hy vọng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này ở trong và ngoài nước sẽ cùng gia và đóng góp công sức phát triển ngành công nghiệp Vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.