MWG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 cao gấp 14 lần năm trước
Ảnh minh họa.
Năm ngoái, MWG tiến hành đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả và thực hiện tái cấu trúc nhân sự, giảm quy mô đội ngũ nhân viên. Đến cuối năm 2023, MWG chỉ còn 65.414 nhân viên, giảm 8.594 so với đầu năm và 14.817 so với quý III/2022.
Trong năm 2024, MWG tiếp tục tập trung vào tinh gọn hóa đội ngũ nhân sự và tạo động lực cho nhân viên. Công ty cũng đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất và lợi nhuận của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
MWG đã đóng gần 200 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh không hiệu quả trong quý IV/2023, cải thiện hiệu suất kinh doanh chuỗi bán lẻ. Thị phần điện thoại của MWG đối với nhãn hàng Apple cũng tăng từ 25-30% lên khoảng 50% vào cuối năm 2023.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, MWG đặt mục tiêu đóng góp khoảng 30% doanh thu và bắt đầu mang lại lợi nhuận từ năm nay. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh mới sẽ được mở có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả và tối ưu chi phí, đặc biệt là chi phí kho vận.
Đối với Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh, đơn vị vận hành chuỗi Bách Hóa Xanh, đã công bố kế hoạch huy động vốn thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông, dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2024, với việc chào bán từ 5-10% cổ phần.
MWG cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số cho chuỗi nhà thuốc An Khang, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước ngày 31/12/2024. Đối với chuỗi bán lẻ EraBlue tại Indonesia, MWG hướng tới mục tiêu gia tăng thị phần và trở thành nhà bán lẻ hàng đầu về điện máy trong nước này trong năm 2024.
Thế Giới Di Động hợp tác với Viettel để tiếp tục mở rộng dịch vụ tài chính, đầu tư
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu Tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) thông báo hợp tác với Viettel, mở rộng dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tại hơn 2.200 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc.
Dịch vụ này cho phép khách hàng nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng từ bất kỳ cửa hàng Thế Giới Di Động hoặc Điện Máy Xanh nào, cả trong và ngoài giờ hành chính và cả các ngày nghỉ lễ. Với sự hỗ trợ của 40 ngân hàng đối tác, việc nạp và chuyển tiền trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian.
Điều đặc biệt là khách hàng không cần phải đến ngân hàng để nộp tiền, mà có thể thực hiện tại bất kỳ cửa hàng Thế Giới Di Động hoặc Điện Máy Xanh nào, với việc tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngay sau 5 phút.
Ngoài ra, trong đợt hợp tác này, Tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng mở rộng điểm thu phí Bảo hiểm Xã hội tự nguyện và Bảo hiểm Y tế hộ gia đình phối hợp với Tổng Công ty Bảo hiểm PVI. Khách hàng có thể đăng ký tham gia hoặc gia hạn tại các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tại TP HCM từ ngày 22/11. Kế hoạch là mở rộng dịch vụ này ra toàn quốc vào quý I/2024.
Trong bối cảnh sức mua yếu và chiến tranh giá kéo dài, Đầu Tư Thế Giới Di Động, doanh nghiệp có quy mô chuỗi cửa hàng lớn nhất Việt Nam, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính quý III cho thấy doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn ở mức thấp. Để thích ứng với thách thức và biến động trong môi trường kinh doanh, Đầu Tư Thế Giới Di Động dự kiến sẽ triển khai tái cấu trúc trong quý IV, đồng thời cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả.
Còn trước đó, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 chứng kiến áp lực bán trên diện rộng, nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh, trong đó cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động đã ghi nhận mức giảm kịch sàn "trắng bên mua".
"Cú sẩy chân" này khiến cổ phiếu MWG rơi xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 34 tháng, kể từ cuối tháng 12/2020. Với mức giảm hơn 34% từ đỉnh một năm, thị giá cổ phiếu MWG giảm mạnh, vốn hóa thị trường cũng giảm gần 29.000 tỷ đồng, chỉ còn khoảng hơn 55.000 tỷ đồng.
Sự giảm giá đưa cổ phiếu MWG về vùng đáy dài hạn đã kích hoạt một phần dòng tiền bắt đáy của các nhà đầu tư. Kết quả là, giao dịch trên MWG trở nên rất sôi động, với hơn 13,2 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch hơn 500 tỷ đồng, xếp thứ 3 trên toàn sàn. Tuy nhiên, lực bán vẫn áp đảo khiến MWG còn dư bán sàn hơn 200.000 cổ phiếu.
Một trong những tác nhân gây áp lực lên cổ phiếu MWG phiên 31/10 là khối ngoại khi bán ròng hơn 2 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 80 tỷ đồng. Tính chung trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 18,6 triệu cổ phiếu MWG, tương đương giá trị bán ròng 940 tỷ đồng. Điều này khiến MWG "hở" room ngoại khoảng 2%.
Có thể thấy, sự giảm giá mạnh của cổ phiếu MWG là một điều đáng ngạc nhiên, bất chấp sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trước đó. Có những giai đoạn mà khối ngoại còn chấp nhận mua thoả thuận ngoài sàn với mức premium rất cao. Tuy nhiên, những giao dịch này gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là khi Thế Giới Di Động đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng.
Ngay trước phiên giảm sàn 31/10, doanh nghiệp bán lẻ này đã công bố báo cáo tài chính với kết quả không mấy khả quan. Doanh thu quý 3/2023 của Thế Giới Di Động đạt 30.287 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 39 tỷ đồng, giảm tới 96% so với quý 3 năm ngoái.
Tính tổng cộng 9 tháng đầu năm, doanh thu của Thế Giới Di Động giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 97% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 78 tỷ đồng, thực hiện chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra.
Trong năm 2022, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu đạt 133.405 tỷ đồng, vẫn tăng 8% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 16% so với năm 2021, xuống mức 4.100 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp bán lẻ này đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận kéo dài gần một thập kỷ và không hoàn thành kế hoạch đề ra.