Những thách thức khi vận hành hệ thống giám sát online
Ảnh: Minh họa
Tại buổi giao ban quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý quý 1/2023 diễn ra ngày 7/4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắc lại nhiệm vụ quan trọng của ngành, đó là: “Năm 2023 là năm vận hành các hệ thống giám sát online” với tinh thần “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn không có tai nạn lớn, cứu được người thì phải giám sát online để phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo sớm, sửa sớm. Muốn bền vững thì quan trọng ở các chữ “nhỏ”, “sớm”, “toàn diện” và “thường xuyên”. Muốn vậy thì chỉ có thể là giám sát online. Muốn Bộ bền vững thì phải làm cái này. Muốn đất nước bền vững cũng phải làm cái này. Các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp muốn phát triển bền vững cũng phải có giám sát online”.
Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia như hiện nay, việc vận hành hệ thống giám sát online là rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đây là một công việc còn nhiều thách thức.
Thách thức về đảm bảo tính ổn định và độ tin cậy của hệ thống
Một trong những thách thức quan trọng là đảm bảo tính ổn định của hệ thống.
Với việc phụ thuộc vào kết nối mạng và các thiết bị kỹ thuật, sự cố kỹ thuật và mất kết nối có thể xảy ra, gây gián đoạn trong quá trình giám sát và gây mất mát thông tin quan trọng.
Hệ thống giám sát online phải đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định và tin cậy, đồng thời giảm thiểu thời gian chết (downtime) và mất kết nối. Vấn đề kết nối mạng không ổn định hoặc mất kết nối có thể làm gián đoạn quá trình giám sát và dẫn đến mất mát thông tin quan trọng.
Để vượt qua thách thức này, Nhà nước cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng và kỹ thuật hệ thống, cùng với việc phát triển các giải pháp phòng ngừa và khôi phục nhanh chóng khi có sự cố xảy ra.
Theo Quyết định số 8/2023/QĐ-TTg ngày 5/4/2023, mạng truyền số liệu phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước phải bảo đảm cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ trong 1 ngày và 7 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết.
Cục Bưu điện Trung ương thuộc Bộ TT&TT chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm soát truy nhập Mạng truyền số liệu chuyên dùng bảo đảm chất lượng, an toàn và bảo mật thông tin; trực tiếp vận hành mạng trục, mạng truy nhập cấp I, trung tâm điều hành mạng và các trung tâm vận hành, khai thác mạng.
Thách thức về quản lý và phân tích dữ liệu lớn
Hệ thống giám sát online thu thập lượng dữ liệu khổng lồ và đa dạng ở các nguồn khác nhau từ các Bộ ban ngành. Điều này đòi hỏi đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công cụ phân tích dữ liệu và biện pháp bảo mật để đảm bảo rằng thông tin được xử lý và sử dụng một cách hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư và an toàn dữ liệu.
Phân tích dữ liệu lớn khu vực công (DRSA) của chính phủ Malaysia. Ảnh: malaysia.gov.my
Thứ nhất, việc xử lý dữ liệu lớn đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạnh mẽ và đáp ứng tốc độ xử lý yêu cầu thời gian thực. Hệ thống giám sát online phải có khả năng xử lý và lưu trữ dữ liệu một cách hiệu quả, đảm bảo khả năng mở rộng linh hoạt để đáp ứng sự tăng dữ liệu trong quá trình vần hành. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng, hệ thống lưu trữ, và khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại như: dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo, máy học, và phân tích dữ liệu tính toán... để đảm bảo rằng thông tin được xử lý một cách nhanh chóng và chính xác.
Thứ hai, quản lý dữ liệu lớn cũng đặt ra thách thức trong việc phân tích, tìm kiếm thông tin và tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Với lượng dữ liệu khổng lồ, việc trích xuất thông tin hữu ích và phân tích dữ liệu để tìm ra các xu hướng, biểu đồ và thông tin quan trọng là một quá trình phức tạp. Cần có các công cụ phân tích mạnh mẽ, nền tảng phần mềm và kỹ thuật xử lý dữ liệu để đảm bảo rằng thông tin được hiển thị và sử dụng một cách hiệu quả.
Thứ ba, vấn đề bảo mật và quyền riêng tư cần phải ưu tiên coi trọng. Với lượng dữ liệu nhạy cảm được thu thập từ hệ thống giám sát online, việc đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư của từng dữ liệu cần phải áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như mã hóa dữ liệu, quản lý quyền truy cập, và tuân thủ các quy định pháp lý để đảm bảo dữ liệu không bị rò rỉ hoặc lạm dụng.
Thách thức về an ninh, an toàn thông tin
Vận hành hệ thống giám sát online cấp quốc gia đối mặt với nhiều thách thức và những vấn đề an ninh quan trọng. Việc xử lý và bảo vệ các loại dữ liệu nhạy cảm như: dữ liệu bí mật, dữ liệu riêng tư, an ninh quốc gia, quân sự, và dữ liệu cá nhân là hết sức cấp bách.
Với lượng dữ liệu lớn được thu thập từ hệ thống giám sát online, sự đảm bảo tính bảo mật là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các cuộc tấn công và đảm bảo rằng thông tin quan trọng không bị lộ.
Cần áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ, từ việc mã hóa dữ liệu và quản lý quyền truy cập, đến việc tuân thủ các quy định và chuẩn mực an ninh mạng... theo Nghị định 85 ngày 1/7/2016 của của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xây dựng các khung pháp lý và quy định thích hợp để đảm bảo sự tuân thủ vận hành ổn định, liên tục hệ thống giám sát online.
Thách thức về đào tạo và nhân lực
Hệ thống luôn có sự cập nhật, vì vậy, để quản lý và vận hành hệ thống một cách hiệu quả, cần có nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên môn phù hợp. Họ cần được đào tạo về công nghệ mới, các công cụ phân tích dữ liệu, quy trình và quy định liên quan, các kiến thức về an toàn thông tin, quản lý phân tích dữ liệu...
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 06/2023).