Quy hoạch hạ tầng thông tin: Xây dựng nền tảng số quốc gia đáp ứng Chính phủ số
Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị "Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 11/1/2024.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại hội nghị.
Theo quy hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng thông tin và truyền thông là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế.
100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu, nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.
Đến năm 2030, các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Về An toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đến năm 2025, phấn đấu 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được bảo đảm an toàn theo cấp độ hệ thống thông tin; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; 100% thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được cài đặt giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; 100% người sử dụng Internet được tiếp cận thông tin, tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á; hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới.
Về công nghiệp công nghệ thông tin, đến năm 2025 hình thành và triển khai đề án, dự án 12 - 14 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm. Đến năm 2030, hình thành 16 - 20 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm.
Hội nghị Công bố Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam theo tinh thần kết hợp tự cường và hợp tác quốc tế như: thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, từ thị trường Việt Nam nhưng luôn hướng vào thị trường toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ TT&TT cho biết, hiện nay hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đây là nền tảng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu của Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Hiện nay mức độ phổ cập hạ tầng thông tin và truyền thông của Việt Nam cao hơn so với các nước phát triển có thu nhập cao với mức giá thấp. Mặc dù là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao.
Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến. Tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam là hơn 84%, mục tiêu hướng đến là 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.
Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Đến nay, tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.
Có thể bạn quan tâm


Tăng thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt cần hài hoà mục tiêu tăng thu và tăng trưởng
Kinh tế số
Bộ trưởng Nội vụ thông tin mới về giảm cả nghìn cục, vụ, ban chuyên môn, sắp xếp cấp tỉnh
Chuyển đổi số
Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng
Kinh tế số