Ngày 20/9/2023, tại Nam Định, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) về tình hình cung cấp điện và đầu tư xây dựng các dự án điện.
Nhiều dự án lưới điện được đầu tư tại Nam Định
Hiện tại, tỉnh Nam Định được cấp điện từ 02 TBA 220kV Nam Định (2x250MVA), Trực Ninh (2x250MVA) và các ĐD 110kV liên kết với lưới điện các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam. Mức mang tải trung bình của các TBA 220kV trên địa bàn tỉnh Nam Định khoảng 70%, tuy nhiên, trong một số thời điểm nắng nóng, MBA AT2 TBA 220kV Trực Ninh mang tải lên đến gần 90%. Trong các năm qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh Nam Định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển phụ tải trên địa bàn tỉnh Nam Định, EVNNPT và EVNNPC đang thực hiện đầu tư nhiều dự án lưới điện 500-220-110kV trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Nam Định làm việc với EVN, EVNNPT, EVNNPC về tình hình cung cấp điện và đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn tỉnh
Cụ thể, Trạm biến áp 220 kV Hải Hậu và đường dây đấu nối, dự kiến dự án khởi công tháng 12/2023. Hiện đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Do tỉnh giao cho huyện định giá đất nhưng chưa có cơ chế và hướng dẫn thực hiện nên huyện chưa thể triển khai.
Đường dây 500kV NĐ Nam Định I - Phố Nối: Dự án phải thực hiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện tại Bộ KH&ĐT đang thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, dự án phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Nam Trực.
Đường dây 500kV Nam Định I - Thanh Hóa : Dự án phải thực hiện phê duyệt điều chỉnh Chủ trương đầu tư, hiện tại Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng báo cáo thẩm định. Ngoài ra, dự án phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, đồng thời phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.
TBA 500 kV NĐ Nam Định và đường dây đấu nối, hiện tại dự án đang gặp vướng mắc liên quan đến tiến độ xây dựng hạ tầng của SPP 500kV TBA 500kV NĐ Nam Định (thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư NMNĐ Nam Định I).
Đường dây 220kV NĐ Nam Định 1 - Ninh Bình 2, hiện tại dự án đang trong giai đoạn thỏa thuận hướng tuyến với các huyện Yên Khánh (Ninh Bình) và Nghĩa Hưng (Nam Định).
Đường dây 220kV NĐ Nam Định 1 - Hậu Lộc, hiện tại dự án đang trong giai đoạn thỏa thuận hướng tuyến với các huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình) và Nghĩa Hưng (Nam Định).
Đối với lưới điện phân phối 110kV, giai đoạn 2021 - 2025, EVNNPC đã và đang đầu tư 17 dự án lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều vướng mắc khi triển khai
Tại buổi làm việc, lãnh đạo EVN cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
Đối với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, tuy nhiên hiện mới chỉ có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Các dự án nguồn, lưới truyền tải mới trong Quy hoạch điện VIII chưa có cơ sở triển khai do chưa có kế hoạch thực hiện và chưa được giao nhà đầu tư.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được thẩm định, tuy nhiên qua nghiên cứu sơ bộ chưa có danh mục các công trình lưới điện. Lưới điện truyền tải trong dự thảo còn có sai khác so với Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt. Ngoài ra, EVN gặp vướng mắc về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Để thực hiện đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định, EVN và các đơn vị thành viên đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành Điện (EVNNPT, EVNNPC, PC Nam Định) trong công tác lập, trình, thẩm định Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định (trong đó có danh mục các dự án điện, kế hoạch sử dụng đất,...) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện, trong đó đề xuất các có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Hỗ trợ EVNNPT, EVNNPC trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi làm việc
Đảm bảo mặt bằng cho tất cả các dự án điện trên địa bàn tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Phạm Đình Nghị đánh giá cao vai trò của ngành Điện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, từ cuối năm 2022 đến nay, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn về đầu tư tại Nam Định. Để có được kết quả đó, ngành Điện đã quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh.
Hiện tỉnh Nam Định bắt đầu khởi động hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại 4 cực phát triển của tỉnh gồm các huyện: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Giao Thủy và thành phố Nam Định. Thiết kế nhà xưởng hiện nay ở các khu công nghiệp đã tăng quy mô đầu tư từ 4 tầng lên 5-7 tầng/nhà xưởng dẫn đến tăng về định mức sử dụng điện bình quân/ha đất tại các khu công nghiệp, từ đó dẫn đến nhu cầu về điện sẽ tăng cao. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng đề xuất ngành Điện chủ động, triển khai đầu tư mạng lưới điện hợp lý, đặc biệt tại những khu vực có nhu cầu sử dụng cao, tập trung nhiều khu, CCN.
Đối với các đề nghị của EVN, EVNNPT và các đơn vị thành viên, tỉnh Nam Định sẽ thực hiện bổ sung, tích hợp nhu cầu sử dụng điện vào Quy hoạch tỉnh sát với thực tế. Riêng những vướng mắc đang gặp phải tại các dự án đã đầu tư của EVNNPT, tỉnh sẽ tổ chức riêng một buổi họp để thống nhất giải pháp, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp giải quyết, tháo gỡ. Tỉnh cam kết sẽ đảm bảo giải phóng mặt bằng đối với tất cả các dự án ngành Điện đầu tư tại Nam Định; các cấp, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp thuận lợi nhất trong thực hiện các thủ tục và các quy định pháp luật liên quan.