Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái cho nông nghiệp Việt Nam
Một trong các nội dung quan trọng được đề cập tại hội thảo là vấn đề canh tác hữu cơ và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái cho nông nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia và đại biểu đã tập trung thảo luận về các nguyên tắc và thực hành nông nghiệp sinh thái trên thế giới, nền tảng cho việc áp dụng tại Việt Nam; thực trạng, cơ hội và thách thức của nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm, và chứng nhận hữu cơ; góc nhìn của nông dân và các bên liên quan tại địa phương trong triển khai các giải pháp thực tiễn chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; chứng nhận hữu cơ trong nông nghiệp tại Việt Nam, góc nhìn từ sáng kiến chuyển đổi nông nghiệp.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ kết quả sáng kiến Agro-econvert cũng như kinh nghiệm từ các nghiên cứu và dự án khác như Asset, Star-farm, Nature+, Hafl…; tổng quan các quy định liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm; nông nghiệp sinh thái trong thực tế: quan điểm từ nông dân và các bên liên quan, địa phương cũng như kinh nghiệm hỗ trợ chứng nhận hữu cơ cấp xã thông qua phân cấp. Đặc biệt, các đại biểu đã chia sẻ quy định về nhập khẩu sản phẩm hữu cơ vào Ý và EU; kinh nghiệm phát triển sản xuất hữu cơ tại Ý.
Hội thảo “Nông nghiệp hữu cơ, sự tương tác chính sách khoa học và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam”.
Thông tin từ Đại sứ quán Ý cho biết, giai đoạn 2020-2023, lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ Việt Nam vào Ý đã tăng hơn 3,5 lần (năm 2020 là 61,2 tấn, năm 2023 đã tăng lên 278,4 tấn). Trong khi đó, lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2023 là 12.471 tấn, tương ứng với 0,5% tổng lượng nhập khẩu vào EU. Điều này cho thấy dư địa mở rộng thị trường này còn rất lớn. Tuy nhiên, các quy định về nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ của EU đang được điều chỉnh theo hướng quảng lý chặt chẽ hơn. Tháng 11/2024, EU đã ban hành các quy định điều chỉnh mới liên quan đến công nhận các đơn vị chứng nhận và cấp chứng nhận hữu cơ nhập khẩu vào EU. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược mà EU cho là sẽ quản lý chặt lại tình hình thực tế đối với các sản phẩm hữu cơ.
Ông Renzo Moro - chuyên gia nông nghiệp của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam cho rằng, năm 2025 sẽ là năm có các quy định mới về nông nghiệp hữu cơ của EU. Quy định mới sẽ tập trung vào vấn đề thúc đẩy sản phẩm hữu cơ và các chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hữu cơ. Những vấn đề này đều liên quan đến nhà sản xuất, nhà phân phối, do đó việc tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm hữu cơ là rất quan trọng. “Các quy định mới của EU sẽ đặt ra những thách thức đối với các nước thứ ba như Việt Nam. Từ năm 2025 trở đi, các nước này cần phải điều chỉnh và tích hợp các hoạt động thương mại hữu cơ để duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Để hỗ trợ Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định mới, các chuyên gia từ Ý sẽ tập trung vào các quy trình xuất khẩu sang thị trường châu Âu và chia sẻ những thực hành tốt nhất tại Ý” - ông Renzo Moro chia sẻ.
Phó Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam Aldo de Luca cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông cho rằng Việt Nam và Thuỵ Sỹ đã có nhiều cam kết trong việc xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Có thể kể đến như chương trình về tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường quốc tế; cung cấp thông tin thị trường và các chương trình xúc tiến thương mại kết nối người nông dân với thị trường quốc tế; hợp tác với các trường đại học Việt Nam để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và mô hình canh tác truyền thống. Ông Aldo de Luca khẳng định: “Thụy Sỹ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái thông qua các chương trình hợp tác 2 bên.từ đó, giúp nền nông nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ đa dạng sinh học”.
Cũng tại hội thảo, bà Bùi Mỹ Bình - đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. “Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung vào các giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp với biến đổi khí hậu, thông qua áp dụng nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên bền vững; giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ” - bà Bùi Mỹ Bình nhấn mạnh.