Tìm cơ hội bứt phá cho ngành làm đẹp Việt Nam
Còn nhiều thách thức
Chia sẻ mới đây tại Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”, do Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS); Hội đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA); Công ty Cổ phần Adpex tổ chức tại Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, TS. Chu Quốc Thịnh cho biết, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn non trẻ, nhiều hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Cả nước mới chỉ có 35 trên tổng số 965 cơ sở sản xuất đạt nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.
TS. Chu Quốc Thịnh dẫn thông tin dữ liệu thống kê cho biết, số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được công bố tại Cục Quản lý Dược và các Sở Y tế trong gia đoạn từ 2015-2022 là 296.116 phiếu, trong đó mỹ phẩm nhập khẩu chiếm 70% về số lượng.
TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược Bộ Y tế chia sẻ tại diễn đàn.
Cũng theo TS. Chu Quốc Thịnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ. “Các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm” - TS. Chu Quốc Thịnh cho biết.
Theo TS. Chu Quốc Thịnh, với việc xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm mới, dẫn đến cạnh tranh thị trường càng khốc liệt và các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giữ chân được khách hàng.
Cùng với đó, sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các sản phẩm này được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng thương mại số (zalo, facebook…), khách hàng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn và chất lượng. Đặc biệt là các xu hướng mỹ phẩm mới đang được đẩy mạnh bởi sự chú ý ngày càng tăng đối với các sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ.
TS. Chu Quốc Thịnh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tăng cường quản lý thị trường mỹ phẩm của Nhà nước. Theo đó, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối, phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng dự thảo Nghị định quản lý mỹ phẩm; đang trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025.
Dự thảo Nghị định sẽ hướng đến việc tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh mỹ phẩm, chất lượng mỹ phẩm. Cụ thể là tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN (quy định chặt chẽ khâu tiền kiểm bằng việc quy định chặt chẽ hồ sơ công bố mỹ phẩm về tính năng, công dụng và quản lý cơ sở sản xuất tại nước ngoài).
Cùng với đó là tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm. Nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP-ASEAN và lộ trình triển khai.
Phó Chủ tịch Hội Đào tạo & Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam Nguyễn Kim Oanh phát biểu.
Hơn nữa, theo Phó Chủ tịch Hội Đào tạo & Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam Nguyễn Kim Oanh, một yếu tố nữa ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành làm đẹp chính là sự nở rộ của thị trường làm đẹp hiện nay, đặt ra nhu cầu lớn về nguồn lực. “Khách hàng có nhu cầu được chăm sóc bởi những kỹ thuật viên phải có kỹ năng, kiến thức về nghề, về an toàn sức khỏe, về mỹ phẩm, các hoạt chất làm đẹp.
Trong khi các cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ bao nhiêu % nhân sự ngành thẩm mỹ được đào tạo tại các đơn vị, tổ chức giáo dục đủ năng lực và được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chuyên môn” - bà Nguyễn Kim Oanh chia sẻ.
Tiềm năng rộng mở
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024 và những năm tiếp theo, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ. “Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành làm đẹp nói chung, ngành mỹ phẩm nói riêng vẫn còn nhiều cơ hội” - TS Chu Quốc Thịnh nhấn mạnh.
TS Chu Quốc Thịnh dẫn điều tra thực tế của EuroMonitor International (Tập đoàn nghiên cứ thị trường của Anh, nghiên cứu thị trường trên 80 nước) cho biết, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm; dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD.
Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường nhiều tiềm năng và sức hút. Tuy nhiên, theo TS Chu Quốc Thịnh, để phát triển, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tính bền vững, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững” nằm trong khuôn khổ Vietnam Beautycare Expo 2024.
“Đối với các thương hiệu mới muốn gia nhập thị trường, nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin và tạo dựng uy tín trong mắt khách hàng bằng cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên và các thành phần an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dùng. Đồng thời, việc đưa ra thông tin chính xác về sản phẩm và những lợi ích của nó cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách hàng. Bộ Y tế đang triển khai nghị định về mỹ phẩm, học tập mô hình ở Hàn Quốc về mỹ phẩm thiên nhiên, quy định nhóm hàng riêng với các tiêu chí mỹ phẩm thiên nhiên. Thế mạnh của Việt Nam là có nhiều dược liệu quý, tốt cho sức khoẻ. Chính vì vậy tôi mong muốn ngành mỹ phẩm Việt Nam sẽ vươn xa từ các tiềm năng sẵn có, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển” - TS Chu Quốc Thịnh chia sẻ.
Thực tế hiện nay cho thấy, xu hướng thị trường đang chuyển đổi sang sản phẩm organic, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, các thương hiệu cần tìm cách cập nhật và phát triển sản phẩm của mình để đáp ứng được nhu cầu này... Điều này được Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) Nguyễn Xuân Hoàng đồng tình: “Trong một cuộc khảo sát cho thấy, xu hướng tiêu dùng của người Việt (cả ở thành thị và nông thôn) ngày càng quan tâm lựa chọn những sản phẩm mỹ phẩm có thành phần tự nhiên.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Đào tạo & Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam Hà Đình Bốn đưa ra nhận định, ngành làm đẹp hiện nay đang phát triển rất mạnh, đang từng bước phát triển với xu thế hội nhập chung với các nước trong khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như châu Âu.
Ông Bốn cho rằng, nhu cầu ngành làm đẹp bùng nổ nhanh, thì sự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng. “Bức tranh làm đẹp có các điểm sáng vì rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp tham gia nhưng rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn phát triển lâu dài họ cần phải có định hướng, giải pháp rõ hơn. Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định ngành nghề nào được làm ở phạm vi nào, đặc biệt cải cách hành chính rõ ràng mạch lạc. Phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, liên doanh phát triển như nào; mở rộng thị trường, liên kết từ người có nhu cầu cho đến người cung cấp dịch vụ. Đồng thời các nhà sản xuất phải gắn kết đi cùng nhau” - ông Bốn nêu quan điểm.