Vì sao các sàn giao dịch chứng khoán lại được Big Tech quan tâm?
Các Big Tech của thế giới đang muốn “làm thân” với các thị trường vốn. Giữa tháng 12/2022, Microsoft và Sở giao dịch Chứng khoán London (LSEG) công bố thoả thuận đầu tư, trong đó, “gã khổng lồ” công nghệ sẽ mua lại 4% cổ phần của LSEG từ Blackstone, Thomson Reuters, Hội đồng Đầu tư quỹ hưu trí Canada và quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore. Đây là liên minh thứ ba như vậy, tức là giữa một công ty công nghệ với một sàn giao dịch, được công bố trong hơn một năm qua.
Tháng 11/2021, Google đã chi 1 tỷ USD và ký kết thoả thuận cung cấp dịch vụ điện toán đám mây kéo dài 10 năm cho sàn giao dịch CME. Cùng tháng đó, Amazon Web Services (AWS) và sàn giao dịch Nasdaq cũng thiết lập quan hệ đối tác và tới đầu tháng 12/2022, Nasdaq đã hoàn thành việc chuyển một trong các sàn giao dịch hợp đồng quyền chọn của họ tại Mỹ sang AWS.
Lợi thế cho các sàn giao dịch
Đối với các sàn giao dịch, lợi thế của những thoả thuận này rất rõ ràng.
Ông David Schwimmer, CEO của LSEG, cho biết: “Chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng sản phẩm, cùng nhau tiếp thị. Thoả thuận này là nhằm nâng cao năng lực về dữ liệu và khả năng phân tích của chúng tôi”. Trong khi đó, “gã khổng lồ” về phần mềm này sẽ giúp LSEG chuyển cơ sở hạ tầng sang nền tảng đám mây, mang lại cho LSEG khả năng xử lý lớn hơn cũng như cho phép sàn giao dịch gói dữ liệu nhanh hơn và linh hoạt hơn.
Dữ liệu và phân tích của LSEG là mảng cốt lõi của công ty, với doanh thu 2.4 tỷ bảng Anh trong nửa đầu năm 2022. Khách hàng của LSEG, bao gồm các nhà quản lý quỹ, chuyên gia phân tích cho đến các nhà giao dịch và ngân hàng đầu tư, sử dụng dữ liệu của sàn giao dịch này để đưa ra các quyết định. LSEG cho biết họ có dữ liệu của những doanh nghiệp chiếm tới 99% vốn hoá thị trường thế giới, cũng như giá cả và số liệu kinh tế của 165 quốc gia.
Mảng dữ liệu và phân tích chiếm phần lớn doanh thu của LSEG (Đvt: Tỷ Bảng anh – GBP).
“Microsoft có AI và các thuật toán siêu tốc, họ có dữ liệu độc nhất và cơ sở hạ tầng để thao tác,tạo ra các sản phẩm với dữ liệu đó. Vì vậy, rất hợp lý khi cho rằng thương vụ này sẽ giúp chúng tôi tăng doanh thu”, một trong 20 nhà đầu tư hàng đầu của LSEG.
Vậy liệu mối quan hệ hợp tác này có thể đánh bại Bloomberg Terminal?
Hơn 40 năm sau khi Michael Bloomberg thành lập doanh nghiệp dữ liệu của mình, Bloomberg Terminal vẫn đang phổ biến trên các sàn giao dịch. Nền tảng đối thủ Eikon, mà LSEG có được thông qua việc mua lại Refinitiv với giá 27 tỷ USD, lại có vẻ ít phổ biến hơn.
Một chức năng được yêu thích của Bloomberg Terminal là ứng dụng nhắn tin của họ. Microsoft và LSEG cũng đang hướng tới việc tạo ra một nền tảng dữ liệu và trò chuyện mới bằng cách kết hợp hệ thống nhắn tin Teams của Microsoft với các phân tích của sàn giao dịch. Tuy nhiên, theo Ben Quinlan, CEO của công ty tư vấn Quinlan and Associates, khách hàng của Bloomberg luôn gắn bó với phần mềm yêu thích của họ, nên để giành được thị phần của Bloomberg Terminal lâu nay vẫn là điều rất khó khăn.
Một nguồn tin thân cận với LSEG cho biết sẽ rất sai lầm nếu coi đây là giai đoạn tiếp theo của cuộc cạnh tranh giữa hai bên. “Chắc chắn Microsoft sẽ giúp giao diện người dùng của Eikon cải thiện, nhưng đó không phải là phần thưởng gì quá lớn từ thương vụ hợp tác này”, người này nói. Thậm chí, trong nội bộ LSEG đang có quan điểm rằng doanh số của họ sẽ giảm vì có ít người giao dịch hơn.
Điều mà LSEG hướng tới là “cuộc chiến” truyền dữ liệu qua đám mây, tức là đưa dữ liệu vào những chương trình máy tính hoá đang thực hiện giao dịch và cung cấp dữ liệu cho hệ thống mà các ngân hàng tự xây dựng.
Ở đây, Microsoft có lợi thế đến từ một sản phẩm phổ biến kể từ đầu những năm 1980, đó là bảng tính Excel. Bằng việc tích hợp dữ liệu tài chính của LSEG vào Excel, hai công ty dự định dùng các thuật toán để giúp giới phân tích tạo ra các mô hình tài chính, biểu đồ và trình bày tất cả ở trong một ứng dụng Microsoft Office.
“Đây là một đề xuất đầy tham vọng, song nó sẽ tạo ra một dịch vụ công nghệ tích hợp tốt hơn, cạnh tranh hơn và giải quyết được một số rắc rối”, ông Ian White, chuyên gia phân tích tại Autonomous Research, nói.
Big Tech được gì?
Hợp tác với các sàn giao dịch sẽ mang lại cho các Big Tech lợi ích về mặt tài chính.
Microsoft dự kiến tạo ra doanh thu 5 tỷ USD thông qua thoả thuận hợp tác 10 năm với LSEG, trong đó chắc chắn bao gồm khoản thanh toán 2.8 tỷ USD từ LSEG. Microsoft cũng mua 4% cổ phần của LSEG và sẽ tham gia vào HĐQT.
Doanh thu từ mảng dịch vụ đám mây của Microsoft từ năm 2017 – dự báo 2023 (Đvt: tỷ USD).
Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng coi việc “làm thân” với các sàn giao dịch là cách giúp họ đảm bảo quan hệ kinh doanh với hàng nghìn công ty tài chính liên quan. Ví dụ, Nasdaq có nhiều khách hàng đang dựa vào họ để giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán, và khi Nasdaq và AWS, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp này cũng phải sẽ dựa vào AWS.
Scott Mullins, giám đốc dịch vụ tài chính toàn cầu tại AWS, cho biết: “Chúng tôi sẽ có cơ hội để thiết lập các mối quan hệ mới. Có một số thị trường mà chúng tôi chưa có cơ sở hạ tầng và chúng tôi sẽ có cơ hội mở rộng”.
Theo Niki Beattie, CEO của công ty tư vấn Market Structure Partners, các nhà cung cấp đám mây chắc chắn muốn tìm hiểu thêm về thị trường tài chính, đồng thời, họ có thể quy định mức chi tiêu tối thiểu trên nền tảng của họ, qua đó đảm bảo một phần thu nhập trong tương lai.
Nguy cơ độc quyền của Big Tech
Những mối quan hệ hợp tác như vậy sẽ không mang tính độc quyền, mà theo giới phân tích, là vì họ không muốn bị cơ quan quản lý sờ gáy. Các nhà lập pháp có thể sẽ theo dõi chặt chẽ việc Big Tech ngày càng “làm thân” với các thị trường vốn toàn cầu, đặc biệt là khi chỉ một số ít công ty điện toán đám mây đang chiếm lĩnh thị trường. Theo Synergy Research Group, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, Microsoft và Google có tổng thị phần là 66% trên toàn cầu trong quý 3/2022.
Thị phần của các Big Tech trong lĩnh vực dịch vụ đám mây tính theo doanh thu.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế từng cảnh báo vào tháng 07/2022 rằng việc các tổ chức tài chính ngày càng phụ thuộc lớn vào phần mềm điện toán đám mây do một số Big Tech cung cấp có thể có những tác động mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính.
“Khi dịch vụ đám mây trở thành nền tảng cho tất cả công nghệ thông tin của bạn, nó sẽ mang đến một thách thức khác”, Lee Sustar, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Forrester Research, nhận định.
Tại Vương quốc Anh, những doanh nghiệp đang thuê nhà cung cấp dịch vụ đám mây lưu trữ dữ liệu của họ phải tuân thủ các quy tắc của Cơ quan Thực thi Tài chính, bao gồm cả việc lên kế hoạch nếu công ty điện toán đám mây gặp sự cố ngừng hoạt động.
Các công ty công nghệ Mỹ tăng cường hiện diện trong cơ sở hạ tầng cơ bản của thị trường tài chính toàn cầu, dẫn đến một số lo ngại, như việc bản thân họ sẽ trở thành các sàn giao dịch.
Hiện tại, họ đang tìm cách kiếm tiền từ việc bán cơ sở hạ tầng đám mây, nên sẽ không tìm cách cạnh tranh với khách hàng của họ. Song, về lâu dài, họ sẽ muốn khai thác kiến thức và từ đó có thể mở rộng hơn, Beattie cho hay. Theo chuyên gia, nó có thể trở thành mối đe doạ rất lớn về lâu dài.
Vào tháng 10/2022, Cơ quan Thực thi Tài chính của Vương quốc Anh bắt đầu khảo sát quan điểm về vai trò của Big Tech trong lĩnh vực tài chính.