7 cách giúp doanh nghiệp an toàn trên MXH
Đứng trước thách thức này, chuyên gia phân tích nội dung web tại Kaspersky và Roman Dedenok, chuyên gia phân tích spam tại Kaspersky, Anna Larkina đã đưa ra 7 cách giúp DN giảm thiểu nguy cơ bị thâm nhập tài khoản mạng xã hội. Đó là:
- Cảnh giác với tin nhắn trực tiếp và thư mục nháp, xóa những thông tin không còn cần thiết
Các công ty nên cẩn thận khi giữ những thông tin nhạy cảm trong các tin nhắn. Mọi người thường sử dụng tài khoản mạng xã hội của công ty để gửi trực tiếp cho các thương hiệu, yêu cầu trợ giúp, sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của chủ tài khoản. Ngoài ra, một số quan hệ đối tác, chẳng hạn như quan hệ với các blogger, có thể được thương lượng qua tin nhắn trực tiếp.
Đôi khi thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính được chia sẻ trong các cuộc trò chuyện và có thể vẫn còn trong thư mục tin nhắn rất lâu sau khi tương tác. Nếu tội phạm mạng có quyền truy cập trái phép vào tài khoản, dữ liệu nhạy cảm có thể bị rò rỉ hoặc sử dụng để thực hiện tấn công.
Để phòng tránh nguy cơ này, các doanh nghiệp nên tạo thói quen xóa tin nhắn khi cuộc hội thoại kết thúc. Tương tự đối với các bài đăng, nên thường xuyên xem lại những nội dung trong thư mục nháp.
- Xem lại những bài đăng cũ để hạn chế các nguy cơ liên quan đến danh tiếng
Sức mạnh của danh tiếng đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng của nó khi mỗi lời nói, hành động và quyết định đều có thể xây dựng hoặc gây tổn hại đến hình ảnh công ty. Mỗi thông tin được đăng tải trực tuyến xét về khía cạnh bảo mật cũng không kém phần quan trọng: khi thông tin nhạy cảm xuất hiện (hoặc tái xuất) trên phương tiện đại chúng, nó sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng công ty và có thể gây ra thất thoát về tài chính.
Để an toàn, công ty nên dành thời gian đánh giá lại những bài viết đã đăng vì có thể nó sẽ chứa những thông tin nhạy cảm không còn phù hợp với hiện tại, bao gồm những câu chuyện cười cho đến những chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi. Những gì bình thường vào hôm qua có thể dẫn đến phản ứng bất thường từ cộng đồng trong hôm nay.
- Cẩn thận khi đăng tải những câu chuyện thành công
Sau khi ký một hợp đồng béo bở hoặc đạt được một thỏa thuận mới, các công ty thường muốn đăng nó lên mạng xã hội để nói với tất cả mọi người về những thành công đó. Nhưng doanh nghiệp thực sự cần nhận thức rằng tội phạm mạng cũng sẽ chú ý đến những thông tin này. Nếu kẻ tấn công biết nhà cung cấp hoặc nhà thầu của bạn là ai, chúng có thể cố gắng thực hiện một cuộc tấn công mạo danh họ hoặc xâm phạm tài khoản của họ và hành động thay mặt họ.
Ngoài ra, nếu công ty đăng tải cấu trúc và cách làm việc của công ty mình trên mạng xã hội càng rõ ràng thì thủ phạm càng dễ dàng tổ chức tấn công. Bằng nhiều kỹ thuật lừa đảo xã hội khác nhau, thủ phạm có thể mạo danh người khác một cách thuyết phục và nạn nhân sẽ khó nhận ra hành vi lừa đảo.
- Cảnh báo nhân viên mới về mối nguy liên quan đến “công việc mới” trên mạng xã hội
Sau khi nhận việc, những nhân viên mới thường chia sẻ lên mạng xã hội về nơi làm việc mới của mình. Thế nhưng họ chưa hiểu cách thức xây dựng các quy trình an ninh mạng trong công ty, ví dụ: việc xác minh thông tin hoạt động như thế nào hay họ có thể chia sẻ thông tin nhạy cảm với ai. Do đó, nhân viên mới sẽ dễ bị tấn công mạng hơn.
Để giảm thiểu rủi ro, đào tạo cho người mới một khóa học về bảo mật thông tin ngay lập tức và yêu cầu họ phải hết sức cẩn thận khi đăng tin cập nhật về nghề nghiệp mới của mình.
- Kiểm soát quyền truy cập tài khoản (và đừng quên đổi mật khẩu khi nhân viên nghỉ việc)
Thông tin đăng nhập, mật khẩu và quyền truy cập vào địa chỉ email được sử dụng để tạo tài khoản mạng xã hội cũng có giá trị như các tài liệu nội bộ khác của công ty. Nếu một nhân viên có quyền truy cập vào tài khoản và dữ liệu xác thực rời khỏi công ty, sẽ rất hữu ích nếu áp dụng các quy tắc tương tự như khi chặn quyền truy cập của họ vào mạng công ty. Để bắt đầu, hãy thay đổi mật khẩu cho tài khoản email được liên kết với mạng xã hội của công ty; sau đó hủy liên kết số điện thoại di động của nhân viên cũ và kiểm tra các phương thức xác thực khác, ví dụ như email dự phòng.
- Không được bỏ qua xác thực 2 yếu tố
Mọi tài khoản trên mạng xã hội, bao gồm tài khoản của công ty, đều phải được bảo vệ an toàn. Xác thực hai yếu tố là cài đặt hoàn toàn cần thiết cho bất kỳ loại tài khoản nào.
Địa chỉ email được liên kết với tài khoản phải được bảo vệ giống như chính tài khoản mạng xã hội đó. Thông thường, cuộc tấn công bắt đầu với quyền truy cập ban đầu vào email. Sau khi xâm phạm tài khoản, kẻ tấn công có thể định cấu hình bộ lọc trong cài đặt hộp thư để xóa tất cả email hỗ trợ khỏi mạng xã hội. Do đó, người dùng sẽ không thể khôi phục quyền truy cập vào tài khoản của họ vì tất cả các email sẽ tự động bị xóa. Chưa kể, trong tình huống căng thẳng, doanh nghiệp sẽ không kiểm tra bộ lọc nào hiện được định cấu hình trong hộp thư của mình.
Tốt nhất là đăng ký tài khoản truyền thông xã hội bằng địa chỉ email công ty để được bảo vệ tốt hơn (nếu công ty quan tâm đến an ninh mạng). Hơn nữa, các chuyên gia bảo mật nội bộ có thể chặn quyền truy cập vào hộp thư này cùng với tất cả quyền truy cập vào mạng công ty.
- Đào tạo nhân viên về chống lừa đảo
Để giảm thiểu rủi ro mạng trên các mạng xã hội, việc bảo vệ tài khoản của công ty bạn về mặt kỹ thuật là chưa đủ, điều quan trọng không kém là tiến hành đào tạo đặc biệt cho nhân viên về bảo mật thông tin, các loại lừa đảo và các mối đe dọa khác. Theo số liệu thống kê của người dùng trên Công cụ đánh giá Kaspersky Gamified, được thiết kế để giáo dục nhân viên và hỗ trợ các nhà quản lý đo lường các kỹ năng mạng của họ, chỉ 11% trong số gần 4.000 nhân viên thể hiện mức độ nhận thức về an ninh mạng cao vào năm 2022, trong khi 28% không thể chứng minh mức độ am hiểu về an ninh mạng.
Những kẻ tấn công sử dụng các phương pháp tinh vi của kỹ thuật xã hội mà ngay cả những “đại diện ưu tú nhất” của Gen Z cũng khó có thể phân biệt. Yếu tố con người không thể giảm xuống bằng 0, nhưng nó sẽ giảm thiểu nhiều nhất có thể với sự trợ giúp của đào tạo chuyên biệt.