Báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam: Kết quả và bài học từ Quyết định 362
Quang cảnh Hội thảo sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc dến 2025. Ảnh: HC
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả
Sau hơn năm năm triển khai, số lượng cơ quan báo chí tại Việt Nam đã giảm mạnh từ hơn 800 xuống còn khoảng 500. Riêng Liên hiệp Hội Việt Nam hiện có 69 cơ quan báo chí, trong đó chỉ còn một báo Tri thức và Cuộc sống và 68 tạp chí. So với trước đây, số lượng đã giảm đáng kể từ 13 báo và 96 tạp chí.
Điều này cho thấy một nỗ lực mạnh mẽ trong việc tinh gọn và hiệu quả hóa hệ thống báo chí, với sự khuyến khích sáp nhập và hợp nhất giữa các cơ quan báo chí cùng lĩnh vực hoặc địa phương. Một số cơ quan báo chí cấp tỉnh đã sáp nhập hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, từ đó giảm chi phí quản lý và nâng cao chất lượng thông tin.
Sự sắp xếp này không chỉ giúp giảm thiểu sự phân tán mà còn tăng cường hiệu quả quản lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí trong kỷ nguyên số. Việc áp dụng công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo và big data, đã trở thành những bước đi thiết yếu để nâng cao chất lượng nội dung và dự báo xu hướng thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, việc quy hoạch lại hệ thống báo chí cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Khó khăn trong quá trình sáp nhập, thiếu sự đồng thuận trong nội bộ các cơ quan báo chí, và sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội là những vấn đề cần được giải quyết triệt để.
Thách thức trong quá trình đổi mới
Sau 5 năm triển khai Quyết định 362/QĐ-TTg về quy hoạch báo chí, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng nảy sinh không ít thách thức. Các vấn đề chủ yếu được ghi nhận gồm quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại lãnh đạo báo chí, hiện tượng tư nhân hóa và thương mại hóa báo chí, tình trạng thành lập viện hội xin cấp phép thành lập cơ quan báo chí trùng chức năng, cũng như việc cơ quan chủ quản không thể quản lý, thậm chí bị chi phối bởi các cơ quan báo chí trực thuộc. Những vấn đề này đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng và đánh giá nguyên nhân một cách toàn diện.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội Thảo. Ảnh: HC
PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ ra những vấn đề nổi cộm và hướng giải quyết.
Thứ nhất, hiện tượng tư nhân hóa và thương mại hóa báo chí: Trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội bị chi phối bởi các tổ chức tư nhân, dẫn đến tình trạng thương mại hóa. Các tổ chức này đầu tư, nắm quyền kiểm soát, làm biến dạng sứ mệnh cốt lõi của báo chí cách mạng. Điều này gây nên sự lệch lạc trong định hướng nội dung, giảm đi tính khách quan và trung thực cần có của báo chí.
Thứ hai, sự chồng chéo chức năng giữa các cơ quan báo chí và tạp chí: Hiện tượng các viện, hội đua nhau xin cấp phép thành lập cơ quan báo chí hoặc tạp chí đã gây nên sự chồng chéo về chức năng, làm giảm tính hiệu quả trong hoạt động truyền thông. Việc này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ quan báo chí mà còn gây lãng phí nguồn lực, nhân sự.
Thứ ba, vấn đề về chỉ đạo và quản lý từ cơ quan chủ quản: Trong một số trường hợp, các cơ quan chủ quản không thể chỉ đạo hoặc quản lý hiệu quả các cơ quan báo chí trực thuộc. Một số cơ quan báo chí tự vận hành mà không tuân theo chỉ đạo, thậm chí có hiện tượng cơ quan chủ quản bị chi phối ngược lại. Điều này tạo nên lỗ hổng lớn trong công tác quản lý và định hướng báo chí.
Nhìn nhận các vấn đề trên, PGS.TS Phạm Ngọc Linh đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu là nhận thức và vai trò trách nhiệm của lãnh đạo báo chí. Cụ thể, Các vấn đề nêu trên phần lớn bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ của lãnh đạo, phóng viên và biên tập viên về vai trò, chức năng và sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự thiếu sót này dẫn đến việc coi nhẹ trách nhiệm xã hội, chạy theo lợi nhuận và làm suy giảm giá trị cốt lõi của báo chí.
"Để giải quyết những thách thức này, việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo báo chí về trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cách mạng là cần thiết. Đồng thời, cơ quan chủ quản cần tăng cường vai trò quản lý, đưa ra những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng thương mại hóa và tư nhân hóa báo chí", PGS.TS Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.
Việc cải cách và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Nhiều cơ quan vẫn gặp khó khăn trong việc thích nghi với mô hình hoạt động mới và điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu ổn định về nguồn nhân lực và tài chính. Ngoài ra, việc xây dựng sự đồng thuận trong nội bộ là vấn đề then chốt, đặc biệt là trong bối cảnh những vụ việc pháp lý và thiếu hợp tác đã gây tổn hại đến uy tín của một số cơ quan báo chí.
Đề nghị về việc xem xét tiêu chuẩn bổ nhiệm tổng biên tập tạp chí khoa học
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm tổng biên tập của các tạp chí khoa học, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam cho hay: "Theo tôi, tiêu chuẩn quan trọng nhất để một cá nhân đảm nhiệm vai trò tổng biên tập tạp chí khoa học là họ phải là một học giả chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học, có nền tảng kiến thức sâu rộng và uy tín học thuật. Nếu người đó có thêm kỹ năng quản lý và báo chí thì càng tốt, nhưng yếu tố học thuật vẫn là ưu tiên hàng đầu".
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường Liên hiệp Hội Việt Na chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: HC
"Trong trường hợp tổng biên tập chưa đủ kỹ năng báo chí, họ vẫn có thể vận hành tốt tạp chí khoa học nhờ sự hỗ trợ từ đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp. Điều này đảm bảo các tạp chí duy trì chất lượng và tính chuyên môn trong lĩnh vực mà tạp chí hoạt động", TS. Lê Công Lương nhấn mạnh.
Về sự cần thiết của các tạp chí khoa học, TS. Lê Công Lương, cũng nêu quan điểm Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cần xem xét kỹ lưỡng tính cần thiết của các tạp chí mới. Ông đề xuất, Bộ TT&TT có thể cho phép thành lập các tạp chí khoa học mới nếu đơn vị xin phép đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về nhân lực và năng lực. Trường hợp các tổ chức không đáp ứng đủ tiêu chuẩn hoặc hoạt động đi ngược với sứ mệnh của tạp chí khoa học thì nên xử lý nghiêm hoặc chuyển đổi thành trang tin điện tử tổng hợp để tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo sự phát triển đúng hướng của hệ thống tạp chí khoa học.
Việc quản lý báo chí là cần thiết, nhưng chúng ta cần linh hoạt và thực sự tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học có môi trường hoạt động và phát triển.
TS. Lê Công Lương
Về mặt công tác Đảng, TS. Lê Công Lương nhận định rằng, để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý báo chí, Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam và tổ chức cơ sở Đảng cần chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc Liên hiệp Hội. Tuy nhiên, theo tinh thần Công văn số 2306-CV/ĐUK và Kế hoạch số 194-KH/ĐULHHVN ngày 26/9/2024 của Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), việc thực hiện Quy định số 162-QĐ/TW ngày 29/5/2024 của Ban Bí thư sẽ yêu cầu chuyển tất cả các chi bộ không trực thuộc Cơ quan Liên hiệp Hội về sinh hoạt Đảng tại địa phương.
Việc này đặt ra thách thức lớn, bởi khi các tổ chức Đảng không còn trực thuộc Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam, sẽ trở nên khó khăn trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng và công tác cán bộ của các cơ quan báo chí.
"Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét và cân nhắc lại vấn đề này để đảm bảo công tác lãnh đạo hiệu quả đối với các cơ quan báo chí", TS. Lê Công Lương đề nghị .
Cùng bàn luận, TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam chia sẻ sau khi thực hiện Quy hoạch báo chí: "Chúng tôi đang cố gắng triển khai thành tổ hợp truyền thông, đó là lối thoát của chúng tôi. Mô hình tổ hợp truyền thông vận động công sức, của cải của người lao động trong Tạp chí. Doanh thu của Tạp chí chủ yếu từ những mảng kinh doanh khác của báo chí như: Thuê văn phòng, làm Sự kiện...".
Đại diện Cục Báo chí , Bộ TT&TT nhấn mạnh rằng: "Quy hoạch báo chí theo Quyết định 362/QĐ-TTg là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu cuối cùng của quy hoạch báo chí không phải là cắt giảm số lượng, mà là nâng cao chất lượng". Việc tinh gọn bộ máy sẽ tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng nội dung và hiệu quả hoạt động.
Trong 5 năm tới, ngành báo chí sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, với trọng tâm là chất lượng nội dung và ứng dụng công nghệ tiên tiến.