Cần trao quyền tự chủ cao hơn cho các tổ chức nghiên cứu
GS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã chỉ ra sự bất cập trong cơ chế đầu tư cho Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện nay. Theo ông, việc cấp kinh phí nghiên cứu không đồng bộ với đầu tư cơ sở vật chất đang là rào cản lớn đối với hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu.
![]() |
GS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ. Ảnh: VNU |
Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin đề xuất cần có một cơ chế đầu tư tổng thể, đảm bảo trang thiết bị thí nghiệm phù hợp với các hướng nghiên cứu được cấp kinh phí. Ông cho rằng, việc đầu tư đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học phát huy năng lực, tạo ra các sản phẩm KH&CN có giá trị cao.
GS. Trần Xuân Tú còn chỉ ra vấn đề then chốt liên quan đến tính tự chủ của các tổ chức KH&CN. Theo ông, việc kiểm soát chặt chẽ kinh phí nghiên cứu như hiện nay đang làm giảm tính linh hoạt và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
"Hoạt động nghiên cứu khoa học vốn mang tính sáng tạo cao, thường xuyên phát sinh những thay đổi không thể lường trước, đòi hỏi sự linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch và phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, cơ chế quản lý hiện hành lại quá cứng nhắc, buộc các nhà khoa học phải tuân thủ nghiêm kế hoạch đã đề ra từ đầu, dù thực tế nghiên cứu có thể thay đổi", GS. Trần XuânTú phân tích. |
Ông đề xuất nên trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các đơn vị nghiên cứu hoạt động tương tự như doanh nghiệp, tự quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra.
Một điểm quan trọng khác được GS. Trần Xuân Tú đề cập là vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ông đề xuất xây dựng cơ chế để các trường đại học trở thành "nam châm" thu hút doanh nghiệp và nguồn lực xã hội. GS. Trần Xuân Tú cho rằng, các trường đại học cần được trao quyền và cơ chế để trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp và nguồn lực xã hội.
Ông đề xuất dự thảo luật cần có các quy định cụ thể về việc thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, đánh giá về Luật KH&CN năm 2013, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hiệu ghi nhận những đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu.
![]() |
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Nguyễn Hiệu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VNU |
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông cho rằng cần có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. ĐHQGHN mong muốn tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện tối ưu cho nghiên cứu khoa học trong nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
![]() |
GS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN. Ảnh: VNU |
GS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, đề xuất đưa cụm từ "đổi mới sáng tạo" vào tên luật và mở rộng định nghĩa để bao gồm cả đổi mới sáng tạo xã hội.
GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQGHN, cho rằng cần xóa bỏ ranh giới giữa hệ thống giáo dục và tổ chức KH&CN, đồng thời đơn giản hóa cơ chế khoán chi để thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu.
![]() |
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận buổi làm việc. Ảnh: VNU |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Luật KH&CN và Đổi mới Sáng tạo phải là công cụ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Ông bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cần tăng cường liên kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo trong các trường đại học.
"Nếu trường đại học không có nghiên cứu khoa học thì sẽ khó cập nhật chương trình giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của nền khoa học nước nhà," Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ban soạn thảo Luật cùng Bộ KH&CN sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đưa KH&CN trở thành nền tảng phát triển đất nước trong thời đại trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
Có thể bạn quan tâm


BUV công bố 2 phương thức tuyển sinh và 7 chương trình đào tạo mới trong năm 2025
Nhân lực số
'Từ idea đến video hoàn chỉnh'
Doanh nghiệp số
NVIDIA ra mắt AI-Q: Cách mạng hóa tương lai lao động với AI
AI