Chuyển đổi số trong báo chí - thách thức và cơ hội
Xu hướng tất yếu
Những năm gần đây, Việt Nam đã đã có những bước đi mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tầm nhìn đến năm 2023, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; Kinh tế số chiếm 20% GDP. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; Kinh tế số chiếm 30% GDP.
Một góc tòa sạn hội tụ của Ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân). Ảnh: Anh Sơn.
Trên cơ sở đó, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu chung của Chiến lược là chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Cơ hội và thách thức
Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nằm trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ quan tâm. Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, đổi mới báo chí; cùng với đó là Luật báo chí sửa đổi năm 2016, Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, Luật an ninh mạng năm 2018 và các văn bản pháp lý liên quan khác.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 với các dự án về hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng dịch vụ, an toàn thông tin sẽ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời cho quá trình chuyển đổi số báo chí ở nước ta hiện nay và thời gian tiếp theo.
Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Trường Giang cho rằng, các công nghệ mới, xu hướng số hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra sự sáng tạo và thay đổi cho báo chí. Điều này giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí với các hình thức truyền tải hấp dẫn. Chuyển đổi số cung cấp cho các cơ quan báo chí môi trường để mở rộng phạm vi và khả năng tiếp cận thông tin người dùng. Các công cụ như blog, podcast và video trực tuyến cũng cho phép các nhà báo tự do hơn trong sáng tạo, thể hiện hiện ý kiến và nhận quan điểm của độc giả từ khắp nơi.
“Một trong những lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là tăng tính tương tác giữa nhà báo và công chúng. Điều này tạo ra một môi trường thông tin phong phú hơn, mọi người có cái nhìn đa chiều và cũng là nơi công chúng có thể thảo luận, chia sẻ ý kiến và tham gia vào các cuộc tranh luận quan trọng. Đặc biệt, chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện các hoạt động của mình, từ quy trình thu thập, sản xuất, quản trị dữ liệu, phân phối nội dung thông tin, tiếp nhận và xử lý phản hồi của công chúng; đến thay đổi thói quen làm việc, cách trao đổi và giao tiếp với nhau, cách xây dựng bộ máy và quản trị hệ thống phân cấp trong tòa soạn, tạo ra văn hóa công sở mới, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Ngoài ra, việc chuyển đổi số cũng giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường” – PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số cũng gặp không ít thách thức. Đó là nhận thức, thái độ về vai trò, sự cần thiết của chuyển đổi số trong chính người làm báo. Theo PGS.TS. Đinh Văn Hường - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, ai cũng biết, nói, luận bàn về chuyển đổi số báo chí. Nhưng không phải tất cả những người có trách nhiệm và người thực thi hiểu thấu đáo được sự cần thiết, quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số báo chí. Tư duy, thói quen, cách làm cũ, là một trong những lực cản lớn của quá trình chuyển đổi số báo chí.
Cùng với đó, thiếu nguồn lực, thiếu kiến thức về công nghệ cũng, hạ tầng chưa đảm bảo là những thách thức hưởng trực tiếp tới chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Hơn thế, cách mạng công nghiệp 4.0 đã gia tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dùng, điều này dẫn đến nguy cơ sụt giảm và mất số lượng lớn công chúng, không tạo ra nguồn thu đủ đáp ứng nhiệm vụ phát triển nội dung, đầu tư công nghệ. Kéo theo là gặp thất bại trên mặt trận tư tưởng, không thực hiện được nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước, dẫn đến khả năng mất chủ quyền trên không gian là một thách thức lớn trong chuyển đổi số báo chí.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang, một trong những thách thức lớn nữa mà chuyển đổi số báo chí phải đối mặt đó là vấn nạn “tin giả” và độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng. Điều này khiến việc phân loại và sàng lọc tin tức diễn ra phức tạp hơn, gây gián đoạn hoặc cản trở người đọc tiếp cận những thông tin chính thống từ báo chí.