Với những bước tiến vượt bậc của cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đã đưa mang đến cho ngành bán lẻ Việt Nam cả cơ hội cũng như thách thức từ đó tạo dựng nên cho các doanh nghiệp trong ngành này những khả năng đón bắt xu hướng thị trường, thích ứng và phát triển bền vững.
Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng của nền tảng quản lý và bán hàng sapo cho thấy, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%), số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.
Để có được những kết quả trên, TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra những mặt thuận lợi của ngành bán lẻ. Những thuận lợi này đã được ngành bán lẻ tận dụng tốt.
CMCN 4.0 tạo ra thách thức đối với ngành bán lẻ khi phải chuyển đổi các mô hình phân phối hàng hoá.
Dự báo xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Bảo Linh nhận định, ở cách tiếp cận sát với thị trường bán lẻ, có thể thấy Cách mạng công nghiệp 4.0 với các bước tiến lớn về công nghệ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hình thành các mạng lưới chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên diện rộng, kết nối cả về không gian (toàn cầu) và thời gian (từ quá khứ đến tương lai) và do từng bước làm nhòa ranh giới về vật lý.
Về giải pháp, theo bà Đinh Thị Bảo Linh, bên cạnh những nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý phù hợp và thông thoáng, các nhà bán lẻ cần từng bước tạo lập quy trình để khách hàng có thể tự lựa chọn hàng hóa, phục vụ, thanh toán, hoàn trả, đổi hàng nhanh chóng để giảm các chi phí chăm sóc khách hàng vốn rất tốn kém.
Còn với chuyên gia Nguyễn Thanh Hưng – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh sau 2 giai đoạn manh nha và đang có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 có doanh thu bán lẻ thương hiệu chỉ đạt 4 tỷ USD, đến 2022 bán lẻ thương mại điện tử đã tăng lên 20 tỷ USD. Bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, tập trung ở các ông lớn Shopee, Lazada…. Thương mại điện tử hiện đang chiếm hơn 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
"Bán lẻ hàng hóa và thương mại điện tử đang quyện hòa vào nhau khi phương thức bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế của thời đại. Thậm chí, cả cửa hàng tạp hóa cũng đã trở thành nơi đang ưu tiên áp dụng và đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử" - ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), vai trò của ngành thương mại với đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển của đất nước là đặc biệt quan trọng. Thời điểm năm 2019 mở của thị trường chúng ta đã gặp nhiều khó khăn về thị trường. Ngành bán lẻ đã phải đối đầu với nhiều tác động về giá cả, hàng hóa...
Những năm gần đây, các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh sự phát triển của các loại hình này, vẫn còn nhiều tồn tại về chất lượng hàng hóa, hàng giả hàng nhái, rất khó để kiểm soát.
Bộ Công Thương cũng đã có quy định về quản lý chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại nhưng vẫn còn nhiều tồn tại các cơ sở vi phạm quy định pháp luật.
Nhưng đó cũng là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ biết nắm bắt và vận dụng những bước phát triển này.
"Vấn đề phát sinh liên quan đến thương mại điện tử, cần phải thường xuyên sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để kiểm soát. Hiện vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp trên các sàn thương mại điện tử cũng là vấn đề rất được nhiều người quan tâm", ông Lê Huy Khôi cho biết thêm.
Đứng trên phương diện người tiêu dùng, người được hưởng những dịch vụ của ngành bán lẻ, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, việc phát triển của ngành bán lẻ đã khắc phục được những khó khăn mà như trước đó thời bao cấp chúng ta phải xếp hàng để chờ mua. Việc bùng nổ công nghệ cũng giúp cho ngành bán lẻ ngày càng phát triển hơn. Hiện nay chúng ta có thể ngồi tại nhà, tại nơi làm việc mà vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Đây có lẽ là con đường phát triển tất yếu và duy nhất của ngành bán lẻ.
"Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán lẻ. Trên phương diện của một luật sư, trước tiên tôi kiến nghị để ngành bán lẻ phát triển, cần sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ và toàn bộ người sản xuất" Luật sư Trần Xuân Tiền khẳng định.
Ngoài ra, để nâng cao quản lý chất lượng ngành này, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển, shipper. Từ đó, có những quy định pháp luật để đóng góp, quản lý lực lượng này như những quy định về ký quỹ, về nguyên tắc giao nhận hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi nhận hàng vận chuyển. Bởi, phải làm được những việc này, luật hóa các quy định sẽ giải quyết được việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử.