![Công nghệ 5G: Chìa khóa thúc đẩy y tế thông minh Công nghệ 5G: Chìa khóa thúc đẩy y tế thông minh](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/13/13/medihub-220250213135610.png?rt=20250213135610)
![Công nghệ 5G: Chìa khóa thúc đẩy y tế thông minh Công nghệ 5G: Chìa khóa thúc đẩy y tế thông minh](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/13/13/medihub-120250213135621.png?rt=20250213135622)
Lời tòa soạn: Công nghệ 5G đang tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực y tế, giúp tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng điều trị và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Với tốc độ cao, đỗ chễ thấp, 5G mở ra nhiều ứng dụng như khám, chữa bệnh từ xa, điều khiển phẫu thuật từ xa, hệ sinh thái y tế mới được kết nối thông minh và giám sát sức khỏe liên tục. Tiếp nối chuỗi bài về ứng dụng 5G dựa trên “Cẩm nang ứng dụng công nghệ số trên mạng 5G” của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa được xuất bản., Tạp chí Điện tử và Ứng dụng trân trọng giới thiệu về vai trò của 5G trong y tế, mang đến góc nhìn toàn diện về tiềm năng của công nghệ này.
|
Ngành y tế đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, từ phòng ngừa bệnh tật, chẩn đoán và điều trị, phục hồi chức năng sau tai nạn hoặc phẫu thuật, nghiên cứu khoa học nhằm phát triển các phương pháp điều trị mới, thuốc mới, và cung cấp dịch vụ y tế như quản lý bệnh viện, bảo hiểm y tế. Nhờ có những nỗ lực của ngành y, tuổi thọ toàn cầu đã tăng từ 66,8 tuổi (năm 2000) lên 73,1 tuổi (năm 2019), nhưng đại dịch COVID-19 đã làm cho tuổi thọ toàn cầu giảm trở lại mức của năm 2012 (71,4 tuổi).
![]() |
Mạng 5G đang mở ra kỷ nguyên mới cho ngành y tế toàn cầu với việc kết nối thông minh giữa các cơ sở y tế, bệnh viện và phòng khám. Công nghệ này kết hợp với IoT, AI và robot giúp tự động hóa nhiều quy trình, từ vận hành xe cứu thương đến tư vấn sức khỏe từ xa.
![]() |
Mô hình “bệnh viện Internet” trong tương lai của Trung Quốc với sự tham gia của công nghệ 5G. Nguồn: Deloitte |
Một hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh chính là giải pháp tiềm năng giúp việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn. Theo nghiên cứu của tổ chức RAND Corporation năm 2005, nếu 90% bác sĩ và bệnh viện tại Hoa Kỳ áp dụng thành công và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin y tế bao gồm thông tin, hồ sơ y tế điện tử, sẽ tiết kiệm được 77 tỷ USD mỗi năm.
![]() |
Các trường hợp sử dụng và lợi ích của 5G trong lĩnh vực y tế. Nguồn: STL Partners |
Theo nghiên cứu của Precedence Research, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thị trường chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu toàn cầu dự kiến đạt 613,81 tỷ USD vào năm 2034. Công nghệ 5G cũng đang cách mạng hóa ngành y tế với các ứng dụng tư vấn từ xa, quản lý hồ sơ bệnh nhân đến tự động bệnh viện. Đến năm 2030, các ứng dụng 5G có thể giúp ngành y tế tiết kiệm gần 94 tỷ USD và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho 1 tỷ bệnh nhân mỗi năm.
Theo STL Partners, ứng dụng 5G có thể giúp ngành y tế toàn cầu tiết kiệm 94 tỷ USD vào năm 2030. Quan trọng hơn, công nghệ này giúp điều trị thêm được 1 tỷ bệnh nhân mỗi năm, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện điều trị bệnh không lây nhiễm.
![]() |
Lợi ích đầu tư của các trường hợp sử dụng 5G trong y tế. Nguồn: ABI Research |
Nghiên cứu của ABI Research tại châu Á - Thái Bình Dương cho thấy 5G giúp giảm 100% thời gian chờ dịch vụ, 90% thời gian giao vật tư y tế và tăng 30% hiệu quả hoạt động nhờ tự động hóa các công việc thường xuyên.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu với chiến lược "Trung Quốc khỏe mạnh 2030". Hơn 700 bệnh viện nước này đã triển khai 5G, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như giám sát dịch bệnh qua hình ảnh nhiệt, robot thông minh, máy bay không người lái và xe cứu thương. Các dịch vụ như mua thuốc trực tuyến, tư vấn và thanh toán bảo hiểm cũng được số hóa, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí hợp lý.
Dưới đây là những ứng dụng tiêu biểu của công nghệ 5G trong lĩnh vực y tế.
Tư vấn sức khỏe trực tuyến qua mạng 5G đang trở thành giải pháp hiệu quả giúp đỡ người dân tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt tại các vùng sâu xa. Theo báo cáo Geneva của Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện có 56% dân số nông thôn không được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu, dẫn đến hơn 600.000 phụ nữ tử vong mỗi năm do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được (chủ yếu do không được chăm sóc y tế hoặc đội ngũ y tế không được đào tạo).
![]() |
Giao diện ứng dụng điện thoại của Babylon Health. Nguồn: Mobihealthnews.com |
Tại Anh, Babylon Health đang cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe qua điện thoại thông minh cho hơn 4,5 triệu người. Công ty này đã hợp tác với 170 đối tác và bệnh viện trên toàn cầu để cung cấp giải pháp phù hợp cho từng địa phương.
![]() |
Ước tính tác động toàn cầu của tư vấn trực tuyến qua video HD (2030). Nguồn: STL Partners |
Nghiên cứu của STL Partners dự báo đến năm 2030, ứng dụng 5G trong tư vấn y tế từ xa có thể giúp tăng thêm 79,4 triệu bệnh nhân điều trị (tăng 2,9%) do giảm tỷ lệ bệnh nhận không đến khám, thêm 334 triệu bệnh nhân được điều trị (tăng 10,4%) do giảm được số lần đến thăm khám trực tiếp của nhân viên y tế, và thêm 7,4 triệu bệnh nhân được điều trị (tăng 0,3%) nhờ giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân để được chăm sóc chuyên khoa (cấp 2).
Bệnh nhân đang sử dụng thiết bị Medihub để nói chuyện qua video với nhân viên chăm sóc y tế. Nguồn: PAMAN
Thành phố Liverpool (Vương quốc Anh) đang thử nghiệm hệ thống PAMAN (PAMAN - một hệ thống giám sát dùng thuốc từ xa, được phát triển bởi The Medication Support Company, một công ty có trụ sở tại thị trấn Stockport, quận Greater Manchester) giúp dược sĩ theo dõi bệnh nhân uống thuốc từ xa qua thiết bị Medihub, đặt tại nhà của bệnh nhân có chức năng đàm thoại video - âm thanh 2 chiều, kết nối thông qua mạng băng thông rộng hoặc mạng 4G/5G. Kết quả cho thấy việc mức độ tuân thủ việc sử dụng thuốc của bệnh nhân được cải thiện đáng kể, đồng thời giảm lãng phí thuốc và chi phí điều trị.
Máy bay không người lái (UAV) và phương tiện mặt đất tự hành (UGV) kết nối 5G đang mở ra giải pháp mới trong vận chuyển vật tư y tế, đặc biệt tại các vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc trong tình huống khẩn cấp.
Theo ABI Research, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, UAV kết nối 5G giúp tiết kiệm trung bình 7 phút cho mỗi lần giao hàng so với phương thức truyền thống. UGV cũng được triển khai trong khuôn viên bệnh viện, thay thế hoàn toàn nhóm vận chuyển 2 người.
![]() |
UAV giao thuốc của Swoop Aero Medical. Nguồn: hagl.com.au |
Tại Úc, công ty Swoop Aero đang thử nghiệm UAV kết nối mạng 5G vận chuyển vắc-xin Covid-19 và thuốc men. Thiết bị có thể bay với tốc độ 200km/h, phạm vi hoạt động 180km/lần sạc, tải trọng 5kg và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Công ty hợp tác với chuỗi nhà thuốc TerryWhite Chemmart triển khai giao thuốc trong bán kính 130km tại Queensland, giúp khách hàng tiết kiệm đến 3 giờ di chuyển.
Kết quả thử nghiệm tại quốc gia khác như Canada cho thấy UAV của Swoop Aero giúp giảm 90% thời gian giao hàng, tăng 30% hiệu quả hoạt động so với dịch vụ y tế khẩn cấp thông thường. Chính phủ Úc đã tài trợ 816.000 AUD (gần 14 tỷ đồng) cho Swoop Aero để mở rộng ứng dụng sang lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn ven biển.
Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường (XR) đang tăng dần thay đổi cách thức đào tạo và thực hành y khoa, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật phức tạp.
Theo ABI Research, thị trường chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) dự kiến đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2024, trong khi công nghệ thực tế ảo (VR) đạt 1,2 tỷ USD. Theo nghiên cứu của Elinext, thị trường của công nghệ XR trong chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng vọt lên mức đáng kinh ngạc là 7,05 tỷ đô la vào năm 2028, tự hào với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 35,2% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2028. Tại Đức dự kiến có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của công nghệ XR trong y tế ước đạt 50% từ năm 2020-2025.
![]() |
Góc nhìn của bác sĩ phẫu thuật sử dụng thực tế tăng cường - AR chồng hình ảnh quét y khoa và dữ liệu trong tầm nhìn, ngay phía trên vị trí phẫu thuật mở của bệnh nhân. Nguồn: broadcastmed.com |
Tại Hoa Kỳ, các bác sĩ thần kinh thần kinh của viện Johns Hopkins đã thực hiện ca phẫu thuật AR đầu tiên vào tháng 6/2020. Các bác sĩ đã đặt 6 con vít vào cột sống của bệnh nhân để phẫu thuật cố định cột sống nhằm cố định 3 đốt sống nhằm giảm đau lưng mãn tính, suy nhược của bệnh nhân, và cắt bỏ một khối u ung thư khỏi cột sống của bệnh nhân. Mỗi năm có khoảng 1,6 triệu người ở Hoa Kỳ đã phẫu thuật cố định cột sống, với 60-70% báo cáo giảm đau sau đó.
Stanford Medicine (thuộc đại học Stanford, Hoa Kỳ) đã ứng dụng thực tế ảo (VR) đầu tiên từ năm 2016 khi mở Trung tâm mô phỏng phẫu thuật thần kinh thần kinh và thực tế ảo 3 chiều đầu tiên ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Stanford Medicine cho biết hơn 1.100 bệnh nhân phẫu thuật thần kinh đã được sử dụng công nghệ này, từ khâu tư vấn tại phòng khám đến khâu lập kế hoạch trước phẫu thuật và khâu định hướng trong khi phẫu thuật.
![]() |
Công nghệ VR phát triển tại đại học Stanford, các bác sĩ phẫu thuật có thể quan sát não dưới dạng 3D trước khi bắt đầu cắt lát. Nguồn: Stanford Medicine |
Hệ thống mô phỏng 3D được tạo bằng cách kết hợp hình ảnh từ MRI và CT thông qua các chuyên gia phần mềm. Với kính thực tế ảo, bác sĩ có thể quan sát chi tiết não, mô và mạch máu mà không cần kỹ thuật.
Công nghệ này cho phép các bác sĩ lập kế hoạch và luyện tập thao tác trước khi nghiên cứu dựa trên hình ảnh thực tế của từng bệnh nhân. Trong phòng bệnh, hệ thống VR kết hợp hình ảnh 3D với hình ảnh thời gian thực, giúp nâng cao độ chính xác và an toàn.
Tại Trung Quốc, Bệnh viện đa khoa Thụy Kim (Thượng Hải) đã phát triển thiết bị DPVR P1 kết nối mạng 5G, cho phép sinh viên theo dõi ca bệnh từ xa với độ phân giải 8K. Năm 2019, họ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi trực tuyến đầu tiên cho bệnh nhân 63 tuổi.
![]() |
Kính thực tế ảo (VR) trong giảng dạy cho sinh viên y khoa tại bệnh viện Thuỵ Kim ở Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn: DPVR |
Theo báo cáo trên tạp chí phẫu thuật Anh Quốc (British Journal of Surgery) tập 106 số 12 năm 2019 cho thấy việc phẫu thuật được chỉ dẫn từ xa bởi mạng 5G là an toàn và khả thi cho các bệnh nhân. Hai ca mổ nội soi đại trực tràng được thực hiện bởi 2 bác sĩ nội trú dưới sự hướng dẫn từ xa của các giáo sư đầu ngành. Ca đầu tiên, với thời gian phẫu thuật là 118 phút. Trong quá trình truyền, tốc độ tải lên/tải xuống dữ liệu trung bình là đối xứng ở mức 98 (phạm vi 95-102) MB/s. Không có hiện tượng mất tín hiệu đáng kể nên không có hiện tượng giật hình ảnh. Thời gian trễ là 202 ms. Đánh giá trung bình về chất lượng hình ảnh của cả 3 bác sĩ phẫu thuật là 9,67/10 và thời gian tương quan giữa việc phát/tiếp nhận câu hỏi và chỉ định được đánh giá là 10/10. Ở ca thứ 2 được thời gian phẫu thuật là 138 phút, tốc độ truyền là 101 (99-106) MB/s, không làm giảm chất lượng tín hiệu và độ trễ là 146 ms.
Mạng 5G giúp thực hiện phẫu thuật từ xa an toàn và mang lại hiệu quả nhờ tốc độ truyền rất cao, tín hiệu ổn định và trên hết là loại bỏ gần như độ trễ mà bộ não con người có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, đội ngũ và trang thiết bị kỹ thuật cần đạt tiêu chuẩn cao.
Các bệnh viện trên thế giới đang được trang bị “xe cứu thương thông minh” để nâng cao hiệu quả dịch vụ xe cứu thương và cấp cứu đáp ứng mục tiêu khắt khe từ Chính phủ. Tại Anh, từ năm 2018, các mục tiêu mới nêu rõ rằng tất cả các quỹ tín thác xe cứu thương cần phản hồi các cuộc gọi loại 1 (đe dọa đến tính mạng) trong vòng 7 phút. Điều này cho thấy thời gian phản hồi trung bình giảm một phút (hoặc 12,5%) so với các mục tiêu trước đó.
![]() |
Xe cứu thương kết nối 5G của Vương quốc Anh. Ảnh: Ericsson |
Xe cứu thương thông minh kết nối 5G được xem là giải pháp khả thi. Công nghệ được phép truyền thông tin bệnh nhân qua thiết bị đeo, cảm biến và video HD đến bệnh viện trong quá trình vận chuyển. Bằng cách này, bác sĩ bệnh viện có thể hiểu rõ hơn về bệnh nhân trước khi họ đến. Trong một số tình huống, các sĩ có thể hướng dẫn nhân viên y tế thực hiện một số thủ thuật ngay trên xe. nâng cao hiệu quả cho các dịch vụ khẩn cấp. Theo báo cáo của NHS (Dịch vụ y tế tại Anh, National Health Service), hệ thống cho thấy tình trạng khẩn cấp của các bệnh nhân được giải quyết bởi đội cấp cứu thì bệnh nhân không cần chuyển đến khoa cấp cứu của bệnh viện. Trong khi đó, các bệnh nhân cần kiểm tra, điều trị và chuyển viện trong tình trạng khẩn cấp, cần điều trị cấp tính tại bệnh viện thì được đưa đến và bàn giao cho các khoa cấp cứu. Xe cứu thương được kết nối 5G, với khả năng quay video HD và một số thiết bị thủ tục từ xa, cho phép nhiều đội cấp cứu “kiểm tra, điều trị và chuyển tuyến” bệnh nhân thay vì “kiểm tra, điều trị và chuyển viện”.
![]() |
Ước tính tác động toàn cầu của xe cứu thương thông minh (2030). Nguồn: STL Partners |
Điều này mang lại lợi ích về chi phí điều trị và sự phụ thuộc vào thời gian của khoa cấp cứu. Thời gian bàn giao bệnh nhân cũng được rút ngắn, giúp xe cứu thương thông minh giúp các khoa cấp cứu của bệnh viện cải thiện tỷ lệ luân chuyển bệnh nhân.
Năm 2021, Vương quốc Anh đã thử nghiệm thành công ca chẩn đoán từ xa đầu tiên trên xe cứu thương nhờ mạng 5G tại Birmingham. Chiếc xe được kết nối này cung cấp một cách mới sáng tạo để kết nối bệnh nhân, nhân viên xe cứu thương và các chuyên gia y tế từ xa theo thời gian thực.Dự án là sự hợp tác giữa Ericsson, Bệnh viện Đại học Birmingham và Đại học King's College London.
![]() |
Công nghệ cho phép nhân viên y tế điều trị bệnh nhân trên xe cứu thương trước khi họ đến bệnh viện. Ảnh: Ericsson |
Dù bệnh nhân được điều trị qua xe cứu thương thông minh kết nối mạng 5G chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng công nghệ này có thể giúp giảm phần lớn tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân ở trường hợp khẩn cấp. Trong cấp cứu, mỗi phút trôi qua đều có thể quyết định sự sống còn của người bệnh.
Việc theo dõi tình trạng bệnh nhân hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhu cầu khám định kỳ tăng cao, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Sự gia tăng số lượng bệnh nhân khiến thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng, trong khi các chuyên gia y tế phải làm việc với cường độ cao hơn. Theo dõi nhịp thở hàng ngày giúp đánh giá tiến triển bệnh, nhưng nếu bệnh nhân phải đến bệnh viện thường xuyên, điều này tạo gánh nặng không chỉ cho y tế mà còn chính người bệnh. Một nghiên cứu đăng trên British Journal of Nursing cho thấy 80% báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm tình trạng suy yếu ở bệnh nhân, trong đó 12% xác định nhịp thở là chỉ số quan trọng nhất. Tuy nhiên, 56% người tham gia nghiên cứu mất ít nhất 60 giây để đo nhịp thở, cho thấy cần có phương pháp giám sát nhanh và hiệu quả hơn.
![]() |
Ước tính tác động toàn cầu của việc theo dõi bệnh nhân từ xa (2030). Nguồn: STL Partners |
Không chỉ với người lớn, theo Stanford Medicine, hơn một triệu trẻ em dưới 17 tuổi ở Hoa Kỳ mắc chứng tự kỷ, gặp khó khăn trong việc nhận diện cảm xúc trên khuôn mặt. Để cải thiện kỹ năng tương tác xã hội, các liệu pháp điều trị đòi hỏi sự tham gia chuyên sâu, nhưng chi phí cao, tiếp cận khó khăn và không đồng nhất. Theo STL Partners, giám sát bệnh nhân từ xa được coi là một giải pháp cho vấn đề này, với 52% người tham gia khảo sát từ các thị trường phát triển dự kiến triển khai rộng rãi giám sát bệnh nhân từ xa trong vòng 1-5 năm tới. Công nghệ này sử dụng cảm biến, thiết bị đeo và thiết bị y tế điện tử để thu thập dữ liệu mà không cần bệnh nhân đến trực tiếp cơ sở y tế.
Khảo sát 109 chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng giám sát bệnh nhân từ xa dựa trên nền tảng 5G mang lại ba lợi ích quan trọng. Thứ nhất, nó giúp giảm số lượng bệnh nhân phải lưu viện qua đêm. Khi dữ liệu được thu thập và phân tích từ xa, bệnh nhân có thể được xuất viện sớm hơn mà vẫn đảm bảo theo dõi kịp thời. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng giường bệnh, giảm áp lực cho các cơ sở y tế. Thứ hai, theo dõi từ xa giúp giảm số chuyến thăm khám tận nhà của nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, nữ hộ sinh hay nhân viên cấp cứu. Những chuyến thăm này có thể được thay thế bằng giám sát dữ liệu theo thời gian thực, chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Thứ ba, công nghệ này giảm thiểu số lần bệnh nhân phải đến bệnh viện khám ngoại trú. Khi thông tin sức khỏe được cập nhật liên tục, bác sĩ có thể tư vấn từ xa, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng của mình và giảm các lần thăm khám không cần thiết.
Theo The Medical Futurist, để đặt bệnh nhân làm trọng tâm của chăm sóc sức khỏe, cần có các thiết bị kết nối chính xác, liên tục theo dõi tình trạng và đưa ra cảnh báo khi chỉ số vượt ngưỡng. Công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các mạng IoT y tế này nhờ tính ổn định và độ trễ thấp. Một báo cáo từ Anthem cho thấy 86% bác sĩ đánh giá thiết bị đeo giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe. Đồng thời, các thiết bị này dự kiến giảm 16% chi phí y tế trong 5 năm tới. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là các mạng viễn thông và công nghệ di động vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc truyền tải dữ liệu sức khỏe theo thời gian thực.
![]() |
Thông tin chi tiết về độ bão hòa oxy. Nguồn: Robot.net |
5G có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Với khả năng truyền dữ liệu nhanh hơn 4G, độ trễ giảm từ 20 mili giây xuống còn 1 mili giây, mạng 5G giúp kết nối thiết bị y tế ổn định, đáng tin cậy. Google đã tham gia vào lĩnh vực này bằng việc phát triển các thiết bị thông minh như Fitbit, giúp theo dõi nồng độ oxy trong máu, hỗ trợ người dùng phát hiện những thay đổi sức khỏe sớm hơn. Thiết bị này hoạt động bằng cảm biến quang học, cho phép đo SpO2 một cách liên tục, và người dùng có thể quản lý dữ liệu thông qua ứng dụng Fitbit.
Tại Nhật Bản, công nghệ giám sát từ xa dựa trên thiết bị đeo và cảm biến không dây kết nối mạng 5G đang được ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc người già, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế. NTT DoCoMo và Tellus You Care đã hợp tác để tiến hành thử nghiệm công nghệ giám sát từ xa những người trong cơ sở chăm sóc người già, giúp bác sĩ theo dõi bệnh nhân ngay cả khi họ không có mặt trực tiếp. 5G cung cấp mạng ổn định và hiệu suất cao, đáp ứng nhu cầu giám sát sức khỏe liên tục. Nhật Bản đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo trong chăm sóc sức khỏe, biến 5G trở thành nền tảng cốt lõi cho y tế từ xa. Công nghệ này không chỉ giúp theo dõi bệnh nhân mà còn đưa ra cảnh báo cho gia đình và bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh dân số già hóa.
Sự kết hợp giữa 5G, AI và thiết bị đeo thông minh đang mở ra kỷ nguyên mới cho ngành y tế. Việc theo dõi bệnh nhân từ xa không chỉ tối ưu hóa nguồn lực y tế, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị mà còn đặt nền móng cho một hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt, hiện đại hơn.
Công nghệ robot trong phẫu thuật đang tạo ra bước đột phá quan trọng trong y học hiện đại, giúp nâng cao độ chính xác, giảm thiểu sai sót và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Mặc dù bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bài bản, các yếu tố tâm lý và thể chất vẫn có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của thao tác. Nghiên cứu của WHO ước tính, trên toàn thế giới có 234 triệu ca phẫu thuật mỗi năm, nhưng khoảng 2.000 sự cố do nhầm lẫn vẫn xảy ra. Tại Vương quốc Anh, hơn 1,2 triệu sự cố an toàn đã được ghi nhận trong hệ thống NHS giai đoạn 2004-2005, phần lớn do lỗi con người. Trong bối cảnh này, phẫu thuật bằng robot trở thành giải pháp tối ưu giúp giảm thiểu rủi ro.
![]() |
Các thành phần chính của hệ thống phẫu thuật từ xa. Cả 2 thành phần được kết nối với nhau thông qua mạng lưới làm việc. Nguồn: ScienceDirect |
Jitka Kolarova từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, robot có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các nhu cầu quan trọng chưa được đáp ứng, chẳng hạn như mang lại trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho bệnh nhân thông qua các thủ thuật ít xâm lấn và đảm bảo dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, nhất quán với các nhiệm vụ chính xác. Nâng cao khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị chuyên khoa, ngay cả ở những vùng xa xôi, thông qua y học từ xa và các biện pháp can thiệp hỗ trợ bằng robot.
Phẫu thuật từ xa với sự hỗ trợ của 5G đang mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại nhờ độ trễ thấp và khả năng truyền tải dữ liệu theo thời gian thực. Báo cáo của The Medical Futurist cho thấy 5G có thể thúc đẩy sự phát triển của phẫu thuật từ xa bằng cách kết nối bác sĩ với bệnh nhân ở bất kỳ đâu. Trung Quốc đã triển khai robot y tế chạy bằng 5G thực hiện thành công phẫu thuật não từ xa chỉ trong 60 giây. Và họ cũng đã triển khai các dịch vụ phẫu thuật từ xa bằng robot cho Thế vận hội mùa đông 2022. Công nghệ này cũng đang thay đổi cách vận hành của xe cứu thương, giúp bác sĩ hướng dẫn điều trị từ xa ngay khi bệnh nhân còn trên đường đến bệnh viện.
Bên trái Robot được phát triển bởi Vicarious Surgical. Nguồn: R&D world; Bên phải, Robot MIRA. Nguồn: surgicalroboticstechnology
Theo báo cáo của Hiệp hội phẫu thuật Hoàng gia Anh, về cách mạng hóa robot, với thị trường toàn cầu trị giá hơn 8,5 tỷ USD và hơn một trăm nền tảng robot có sẵn trên toàn thế giới, phẫu thuật bằng robot thực sự sẽ tồn tại lâu dài. Intuitive Surgical (có trụ sở tại Hoa Kỳ) dẫn đầu lĩnh vực này với 10 triệu ca phẫu thuật được thực hiện bởi 60.000 bác sĩ. Các hệ thống robot khác như Mako của Stryker (có trụ sở tại Hoa Kỳ) hay Medtronic Mazor X của Medtronic (có trụ sở tại Ireland) cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Robot MIRA chỉ nặng 1 kg của Virtual Incision (có trụ sở tại Nebraska, Hoa Kỳ), có thể thực hiện phẫu thuật thông qua một vết rạch nhỏ, trong khi Vicarious Surgical (có trụ sở tại Massachusetts, Hoa Kỳ) đang phát triển công nghệ robot thu nhỏ cho phẫu thuật thành bụng. Dự báo đến năm 2026, thị trường này sẽ đạt giá trị hơn 14 tỷ USD, theo báo cáo của Oliver Wyman.
![]() |
Robot phẫu thuật và bác sĩ điều khiển từ xa. Nguồn: mdpi |
Nghiên cứu của Ryan D. Madder về can thiệp tim mạch (đặt stent mạch vành) xuyên lục địa bằng robot tại Hoa Kỳ cho thấy mạng 5G giúp giảm độ trễ gấp hai lần so với mạng có dây, đảm bảo độ chính xác cao. Tại Trung Quốc, Huawei và China Unicom đã tiến hành ca phẫu thuật từ xa đầu tiên trên thế giới bằng robot kết nối 5G, đó là cuộc phẫu thuật cắt gan cho động vật với tín hiệu truyền tải thời gian thực và độ trễ cực thấp. Toàn bộ quá trình kéo dài khoảng 60 phút, với rất ít thời gian chết, kết quả vết mổ gọn gàng, không có máu, và các dấu hiệu sinh tồn của động vật ổn định sau phẫu thuật. Thành công này mở ra tiềm năng lớn cho y tế từ xa, từ chẩn đoán đến điều trị.
![]() |
Nhân viên y tế đang làm việc tại viện nghiên cứu y học ứng dụng Ingham. Nguồn: Viện Ingham |
Viện nghiên cứu y khoa ứng dụng Ingham tại Australia đang thử nghiệm robot điều khiển từ xa loại bỏ cục máu đông ở bệnh nhân đột quỵ qua kết nối 5G. Theo Giáo sư Les Bokey, việc điều trị sớm bằng công nghệ này có thể giảm đáng kể tình trạng khuyết tật do đột quỵ. Hiện chỉ 30% bệnh nhân được điều trị trong vòng 60 phút đầu tiên, nhưng công nghệ mới có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ này, mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực y tế hiện đại.
Công nghệ 5G không chỉ là xu hướng mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới trong nông nghiệp, từ canh tác thông minh đến tự động hóa và quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, các doanh nghiệp và các hợp tác xã cần hiểu rõ những ứng dụng thực tế và chiến lược phát triển phù hợp. Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào các mô hình ứng dụng 5G trong nông nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời phân tích hoạt động của công nghệ này đối với chuỗi giá trị nông nghiệp. Đón đọc để khám phá cách 5G có thể giúp nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa chi phí và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. |