Công nghệ tài chính - Nghề mới nhưng là nghiệp của giới trẻ trong tương lai
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Đây được xem là một trong những lĩnh vực nghề nghiệp nhiều triển vọng nhất là những người nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin hiện nay.
Fintech xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2017, nhưng phải đến năm 2020, đặc biệt là năm 2021, thị trường mới chứng kiến sự phát triển cả về lượng và chất của các công ty khởi nghiệp Fintech trong lĩnh vực này.
Các phương thức thanh toán bằng công nghệ đang mở ra cho thế giới ngành nghề mới.
Với khả năng đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm, giúp sản phẩm dễ dàng tới tay người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm khách hàng, Fintech hiện đang được các ngân hàng áp dụng rộng rãi nhằm giúp khách hàng có được dịch vụ tốt nhất.
Cùng qua điểm, ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn BIN Corporation cũng chia sẻ góc nhìn mới mẻ về Fintech; tình hình kinh tế nói chung và thị trường Fintech tại Việt Nam nói riêng và những tác động từ đại dịch COVID-19; những giải pháp, phương thức hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh số.
Cụ thể, để thành công trong lĩnh vực này ngoài cái tâm, duyên, ngay từ khi còn là sinh viên cần phải trao dồi học tập thật tốt về chuyên môn, kỹ năng, đạo đức và cả ngoại ngữ để có thể tham khảo, khai thác tìm năng, tìm lực, ứng dụng khi công nghệ ngày càng phát triển.
Theo ông Lê Hùng Anh, khởi nghiệp ở tuổi sinh viên hay sinh viên mới ra trường có độ rủi ro rất cao bởi chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực tiễn.
“Do vậy, để khởi nghiệp thành công, nhất là ở lĩnh vực Fintech rất cần tích lũy kinh nghiệm; cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng cho từng giai đoạn để ổn định, giữ vững trước khi bước đến thành công. Tuy chậm nhưng chắc chắn bởi khởi nghiệp trong Fintech là làm điều gì đó mới, sản phẩm mới ra đời phải được thị trường chấp nhận thì doanh nghiệp đó mới tồn tại…”, ông Lê Hùng Anh chia sẻ.
Công nghệ tài chính được các chuyên gia đánh giá như là tương lai nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay.
Khi đại dịch COVID-19 khiến các hình thức giao dịch thanh toán thay đổi mạnh mẽ; đồng thời nhìn nhận Fintech là giải pháp tốt nhất để các ngân hàng phân phối sản phẩm, dịch vụ và dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới bởi người dùng sẽ quen với công nghệ và yêu cầu về công nghệ ngày càng cao hơn.
Các chuyên gia cũng chia sẻ những định hướng, xu thế tích cực "dám nghĩ – dám làm – mạnh dạn đổi mới sáng tạo” trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những trải nghiệm hành trình chinh phục thành công trên con đường khởi nghiệp và lập nghiệp của các chuyên gia.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021 cho thấy, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam tăng nhanh từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Báo cáo nghiên cứu của Solidiance - Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á cũng ghi nhận, thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỉ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và đạt khoảng 7,8 tỉ USD vào năm 2020, tương đương với mức tăng 77% trong vòng 3 năm.
Đặc biệt, năm 2021 thị trường Fintech Việt Nam có những bước tiến nhảy vọt khi đạt giá trị 21 tỉ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.