Đầu tư ra quốc tế cần thận trọng với các quốc gia thiếu thể chế phát triển
Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024 của Liên Hợp Quốc cho thấy, triển vọng kinh tế ngắn hạn hiện vẫn còn ở mức thận trọng do những điểm hạn chế của nền kinh tế vẫn tồn tại, trong bối cảnh lãi suất tiếp tục ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài và các rủi ro về biến đổi khí hậu gia tăng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nói chung trong việc định hình chiến lược đầu tư ra thị trường quốc tế.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC phát biểu tại sự kiện.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, hay nhu cầu tiêu dùng mới đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Do đó ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc nắm bắt và tận dụng những cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cũng như chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường.
Ông Vũ Tiến Lộc đồng thời khẳng định: “Thời đại của chúng ta đang sống hiện giờ là thời đại của thế giới phẳng, là thế giới với biên giới số, đặt ra câu hỏi cho chúng ta về bản sắc Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, bơi ra biển lớn, sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được khát vọng hùng cường của đất nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Không Make in Việt Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Việt Nam thì chúng ta không thể thịnh vượng”” - ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu.
Trên thực tế, doanh nghiệp đầu từ ra nước ngoài đều đối mặt không ít khó khăn và rủi ro. Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam trực thuộc VIAC, đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại không ít khó khăn, rủi ro, đặc biệt là các rủi ro chính trị, chính sách, pháp luật. Đây là rủi ro phi thị trường thường trực nhất mà các nhà đầu tư cần phải biết.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài cần có chiến lược để quản trị rủi ro phi thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mới trưởng thành từ thị trường nội địa, nếu chưa đủ kinh nghiệm chủ động tài trợ chính trị, đối thoại, vận động chính sách ở nước nhận đầu tư thì nên chọn chiến lược ưu tiên rà soát trước khi gia nhập thị trường. Cần quan sát các doanh nghiệp đi trước, xem cách họ ứng xử với chính quyền nước nhận đầu tư, từ đó rút ra kinh nghiệm cho doanh nghiệp đi sau. Thận trọng với các quốc gia thiếu các thể chế phát triển (quán tính vừa làm vừa xây dựng thể chế, vừa xây nhà, vừa lo giấy phép, vừa vận động quy hoạch...) vì có thể trở nên rất rủi ro trong môi trường bất ổn định chính trị.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
“Các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ, tạo liên minh với các tổ chức, doanh nghiệp khác (sứ quán, hiệp hội, nhà phân phối tại địa phương, ngân hàng...) để có nhiều nguồn lực quản trị rủi ro chính trị hơn, từ đó tận dụng thế mạnh của từng bên liên kết” - PGS.TS Phạm Duy Nghĩa chia sẻ.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIAC Vũ Ánh Dương cho rằng, đầu tư ra nước ngoài là quyết định đưa vốn, tài sản khác vào nước tiếp nhận đầu tư cho mục tiêu làm ăn kinh doanh lâu dài. “Do đó, việc hiểu được khung pháp lý về các cơ chế đảm bảo thực thi hợp đồng tại các quốc gia điểm đến là yếu tố cần thiết giúp nhà đầu tư có thể yên tâm thực hiện đầu tư hơn” - Vũ Ánh Dương nhấn mạnh Vũ Ánh Dương.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội để ghi nhận các nội dung hợp tác đồng thời hướng tới triển khai các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.