Ra mắt nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là điểm sáng và là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, giúp Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách, chiến lược phát triển nhằm tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Luỹ kế đến 20/4/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22,22 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 39,4%), hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 21,5%) và xây dựng (chiếm 20%). Việc tăng cường dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đã góp phần khẳng định Việt Nam là khu vực kinh tế năng động, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế nói riêng cũng như quan hệ chính trị, xã hội và ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư nói chung.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC phát biểu tại sự kiện.
Theo đó, với mong muốn mở ra một diễn đàn trao đổi thông tin bổ ích, tập trung thảo luận và giải quyết những mối lo ngại của nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy việc sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024.
VIAC SYMPOSIUM 2024 sẽ xoay quanh chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”, theo đó các phiên thảo luận sẽ tập trung xem xét, đánh giá về những biến động kinh tế hiện nay cũng như trao đổi về các biện pháp thích hợp để vượt qua những trở ngại đó. Diễn đàn hướng tới quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng người thực hành nghề luật, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và đang triển khai các hoạt động đầu tư quốc tế.
Cũng tại sự kiện, VIAC đã ra mắt Nền tảng Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tiếp tục là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt nền tảng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, kinh tế số hiện là một trong 03 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số - Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử). Các yếu tố về khung pháp lý để giúp thúc đẩy Hợp đồng điện tử có thể kể đến như Luật Giao dịch điện tử, Định danh điện tử (xác minh nhân thân các bên trên môi trường số), Chữ ký điện tử (là công cụ chính thể hiện ý chí của các bên trên môi trường số), chứng thực giao dịch điện tử, đang được các Bộ, Ngành cho triển khai mạnh mẽ.
“Nhìn sâu hơn ở góc nhìn vi mô, hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy việc sử dụng hợp đồng điện tử và tôi tin tưởng rằng nền tảng mà VIAC ra mắt ngày hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới Kinh tế số của đất nước”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.