Đề xuất tăng mức hỗ trợ tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Quốc hội đã thảo luận tại tổ và dư luận ủng hộ việc thiết lập cơ chế đột phá để người dân có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng mà không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa. Đây là những vấn đề rất cấp bách vì lợi ích tốt nhất cho nhân dân. Cần có quyết tâm cao, sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống y tế, để chính sách đột phá có tính khả thi.
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu.
Tại hội trường, các đại biểu đã thảo luận về quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; về mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế; vấn đề thông cấp khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi Điều 7b về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành và các quy định có liên quan theo hướng bỏ quy định việc nhà trường thu tiền để thực hiện thủ tục để mua bảo hiểm y tế cho học sinh. Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, trách nhiệm này nên được giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm; nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đồng thời đề nghị cần nghiên cứu để lựa chọn hình thức đóng cho phù hợp; có thể có phương án để học sinh được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó vừa được nhà nước hỗ trợ đóng và được giảm trừ mức đóng theo thứ tự.
ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) phát biểu.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật, mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường. Đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ NSNN tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bởi theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng kiến nghị cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được NSNN hỗ trợ.
Đại biểu Phan Văn Xựng (TP. Hồ Chí Minh) và đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị bổ sung quy định về hỗ trợ NSNN mua bảo hiểm y tế cho thân nhân của dân quân thường trực. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đồng thời đề nghị cần xác định những trường hợp điều trị nội trú được phép thông tuyến tỉnh nhằm giới hạn những bệnh được phép thông tuyến, đảm bảo sự sàng lọc và điều trị hiệu quả từ cơ sở, hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên. Ngoài ra, đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh tại Điều 43 của Luật BHYT: “Người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế cho người bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế vì lý do khách quan, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thăm khám cho người bệnh các chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua theo quy định của y, bác sĩ trước khi hoàn tất thủ tục ra viện, tổng hợp thanh toán và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán với cơ quan BHXH”. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đưa ra đề nghị tương tự, đề nghị bổ sung Điều 43 của Luật Bảo hiểm y tế, quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cần thiết cho người bệnh bảo hiểm y tế; nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng đề nghị tăng tỷ lệ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, hiện nay quỹ dự phòng đang tích lũy gần 50% quỹ khám chữa bệnh hàng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng. Nếu tiếp tục để tối thiểu 5% quỹ dự phòng là rất cao, có thể gây khó khăn cho nguồn chi khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 31 về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Tuy nhiên, Thông tư 22 không giải quyết được vướng mắc về việc bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào; không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay… Điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện.
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị bổ sung đối tượng “cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975” vào điểm d Khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật để đối tượng này được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Đại biểu Trần Quang Minh cũng đồng thời đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế.
ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó để giảm thời gian chờ đợi, khám, chữa bệnh của người bệnh; giảm chi phí của người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT để sử dụng cho khám, chữa bệnh BHYT. Đây cũng là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện. Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng có quan điểm tương tự. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật.