Đi chợ phiên Hà Giang: Trải nghiệm độc đáo nhất định phải thử
Hà Giang thực sự là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, chợ phiên Hà Giang như một bức tranh sống động, nơi mà mỗi nét vẽ thể hiện một khía cạnh của đời sống con người nơi đây.
Nét đẹp văn hoá của người dân tộc thiểu số
Chợ phiên Hà Giang được xem là nét đẹp văn hoá của người dân tộc thiểu số vùng cao. Phần lớn các chợ ở Hà Giang thường không diễn ra hằng ngày, mà chỉ họp vào ngày định kỳ, có khi là thứ bảy, chủ nhật hay thứ ba, hoặc thứ sáu… Có chợ 5-7 hoặc 10 ngày mới họp một lần như chợ Khâu Vai họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch trong tháng. Đặc biệt, có nhiều chợ họp vào những ngày âm lịch tương ứng với những con giáp như Phó Bảng họp vào ngày Tý và ngày Ngọ; chợ Lũng Cú, chợ Sủng Trái, họp vào ngày Sửu và ngày Mùi; chợ Lũng Phìn, họp vào ngày Dần và ngày Thân; chợ Phố Cáo, họp vào ngày Thìn và ngày Tuất; chợ Sà Phìn họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi…
Những phiên chợ ở Hà Giang gần như vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao.
Đây không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu. Khác với những chợ truyền thống ở thành phố, không gian chợ phiên Hà Giang thường diễn ra ngoài trời, giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng. Những gian hàng được sắp xếp dọc theo con đường nhỏ, với các mặt hàng đa dạng từ nông sản, thủ công mỹ nghệ cho đến các sản phẩm văn hóa dân tộc. Mỗi sản phẩm tại chợ phiên không chỉ chất lượng mà còn chứa đựng tâm huyết và sự sáng tạo của người làm ra.
Những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ màu sắc, hay những món ăn đặc sản của địa phương đều là thành quả của bàn tay khéo léo và sự cần cù của người dân nơi đây. Những chiếc váy, áo, khăn choàng được thêu tay tỉ mỉ, với họa tiết phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, các loại thực phẩm cũng là điểm nổi bật tại chợ phiên. Các nông sản tươi như rau sạch, củ quả, mận, táo, lê, cam… đều có trong các gian hàng.
Bên cạnh đó có thể kể đến như bánh cuốn, thắng cố, hay thịt trâu gác bếp – món ăn đặc sản thơm ngon khó cưỡng. Những món ăn này không chỉ ngon mà còn đậm đà hương vị núi rừng, khiến du khách không thể nào quên.
Người dân địa phương cũng rất ý thức trong việc bảo tồn các kỹ năng truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu ăn, hay các lễ hội văn hóa. Chính tại chợ phiên này, họ không chỉ bán những sản phẩm của mình mà còn cảm nhận được niềm tự hào khi chia sẻ với du khách về nguồn gốc và ý nghĩa của từng món hàng. Qua đó, khách tham quan cũng được học hỏi và trải nghiệm những phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc nơi đây.
Chợ phiên không chỉ đơn thuần là nơi mua bán mà còn là một không gian văn hóa sống động. Tại đây, bạn sẽ bắt gặp những điệu múa dân gian, âm thanh của nhạc cụ truyền thống vang lên trong không khí rộn ràng. Những già làng, thanh niên trong bản thường tụ tập lại, chia sẻ câu chuyện cuộc sống, lịch sử và văn hóa của dân tộc mình.
Một số chợ phiên nổi tiếng tại Hà Giang
Đến phiên chợ vùng cao, du khách có thể hòa mình vào việc mua bán của người dân tộc nơi đây để hiểu thêm về văn hóa, tập tục của người bản địa hay tìm mua cho mình những đặc sản địa phương làm quà. Dưới đây là một số chợ phiên nổi tiếng tại Hà Giang mà du khách không nên bỏ lỡ:
Chợ phiên Mèo Vạc nằm ngay tại trung tâm của thị trấn Mèo Vạc là khu chợ Vùng cao ). Chợ được họp duy nhất 1 lần/tuần vào các sáng Chủ nhật.
Chợ phiên Quản Bạ (còn gọi là chợ Quyết Tiến) chính là nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc. Chợ Quản Bạ mỗi tuần họp một lần vào Thứ 7 là một trong những chợ truyền thống độc đáo nhất ở Hà Giang. Chợ nhộn nhịp nhất vào khoảng 6-9 giờ sáng.
Chợ phiên ở Đồng Văn Hà Giang là nét đẹp trong sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc. Chợ mỗi tuần họp một phiên duy nhất vào sáng Chủ nhật. Trong tất cả các chợ phiên ở Hà Giang, chợ phiên Đồng Văn chính là nơi trao đổi, giao thương lớn nhất cao nguyên đá Đồng Văn.
Chợ Yên Minh chỉ họp vào ngày Chủ nhật hằng tuần, nên từ lúc trời mới tờ mờ sáng, đồng bào người Mông, Dao, Tày, Nùng... trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, từ mọi ngả đường đã đổ dồn về chợ.
Chợ phiên Hoàng Su Phì chỉ họp duy nhất vào vỏn vẹn buổi sáng Chủ nhật hằng tuần. Những người tham gia phiên chợ này chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao đỏ, Dao áo dài, Mông sinh sống tại những bản làng ở các khu vực lân cận.
Chợ phiên Xín Mần còn có tên là chợ Cốc Pài, nằm ở trung tâm huyện. Mỗi tuần chợ phiên này họp một lần vào Chủ nhật.
Chợ phiên là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc. Tới Hà Giang, nếu bỏ qua chợ phiên chắc chắn sẽ là nuối tiếc rất lớn của du khách vì các phiên chợ ở Hà Giang chứa đựng tất cả văn hóa, đời sống sinh hoạt, tâm linh của người dân nơi đây.