Tìm về nơi tình yêu bắt đầu với Chợ Phong lưu Khâu Vai
Nguồn gốc chợ tình Khâu Vai
Nhắc đến Hà Giang ngoài cao nguyên đá hay những thắng cảnh kỳ vỹ thì chắc chắn không thể không nhắc đến chợ Phong lưu Khâu Vai, một phiên chợ tình độc đáo thể hiện đậm nét phong tục văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây. Phiên chợ độc đáo này chỉ diễn ra duy nhất một ngày trong năm và người ta đến chợ phong lưu Khâu Vai không phải để mua sắm như những phiên chợ thông thường mà để tìm tình yêu hay ôn lại tình cảm người xưa.
Chợ Phong lưu Khâu Vai” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm.
Từ “Khau Vai” trong tiếng Tày-Nùng nghĩa là “đèo gai”. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành “Khâu Vai”. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Tình.
Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.
Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khâu Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ hàng tộc cô Út vác cung vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, 2 người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 hàng năm sẽ lại đến Khâu Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách.
Đồng bào Giáy vui mừng nhảy múa xung quanh trống.
Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà dựng lên hai ngôi miếu thờ là miếu Ông và miếu Bà tại chính nơi họ mất để tưởng nhớ. Tương truyền, hai ngôi miếu thờ rất thiêng, những trai gái gặp trắc trở trong tình duyên, cặp vợ chồng nào gặp khó khăn về đường con cái cũng chỉ cần đến thắp hương, cầu nguyện tại miếu Ông, miếu Bà đều rất linh nghiệm.
Cũng từ đấy chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu Khâu Vai” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm.
“Chợ tình Khâu Vai“- nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách
Ngày nay, chợ Phong lưu Khâu Vai được tổ chức vào ngày 27/3 Âm lịch, các hoạt động có thể diễn ra từ trước đó. Địa điểm tổ chức là khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai và sân vận động huyện Mèo Vạc. Đây không đơn thuần chỉ là phiên chợ tình cho các chàng trai, cô gái miền cao mà đã trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn trong mắt du khách nơi người ta có thể hẹn hò, vui chơi, mua sắm và khám phá ẩm thực độc đáo của miền cao.
Đồng bào Khau Vai lên miếu Ông và miếu Bà để dâng hương, cúng lễ.
Chợ Phong Lưu Khâu Vai mang ý nghĩa là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống cũng như giá trị nhân văn tốt đẹp, nơi ca ngợi những mối tình trong sáng cũng như lan toả những điều tốt đẹp về tình yêu đôi lứa theo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Chợ Phong lưu Khâu Vai còn là nơi thu hút du khách tìm đến, góp phần thúc đẩy du lịch của Hà Giang. Phiên chợ này cũng đã chính thức được đưa vào danh mục Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Điểm nhấn của chợ Phong lưu Khâu Vai chính là lễ hội nổi tiếng cùng tên, lễ hội này được tổ chức thường niên với rất nhiều hoạt động đặc sắc. Theo đó, lễ hội sẽ bao gồm 2 phần là phần lễ và phần hội.
Ở phần lễ của chợ tình, đồng bào Khau Vai sẽ lên miếu Ông và miếu Bà để dâng hương, cúng lễ. Đây cũng là hoạt động để gợi nhớ về nguồn cội, những người đã có công khai hoang lập ra bản Khau Vai cũng như tôn vinh tình yêu đôi lứa. Sau khi thực hiện xong phần lễ, già làng sẽ dâng hương và xin phép bắt đầu các hoạt động của lễ hội.
Các trò chơi dân gian thu hút người dân, du khách về với chợ tình Khâu Vai.
Trong khuôn khổ lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn cũng như mang đậm bản sắc như: Thi leo cột chinh phục tình yêu, tung còn giao duyên, ném pao, đánh yến, địu nước, bắn nỏ, giã bánh dày.
Các hoạt động trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, múa trống của dân tộc Giáy, hát dân ca dân tộc Nùng, hát đối giao duyên. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động cho du khách tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm như: Chụp ảnh lưu niệm tại cánh đồng hoa khu vực Mê cung đá; tìm hiểu lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; tham quan Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ; đi thuyền trên sông Nho Quế; chinh phục vách đá trắng; thưởng thức ẩm thực truyền thống của các dân tộc bản địa…
Đến với lễ hội, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống tại chợ đêm Mèo Vạc, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm Ocop đặc trưng của địa phương...
Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc,Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai được UBND huyện Mèo Vạc tổ chức hàng năm không chỉ mang giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương, mà còn làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, lễ hội đã trở thành điểm nhấn quảng bá du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Mèo Vạc nói riêng, Hà Giang nói chung.
Qua mỗi mùa tổ chức, Khâu Vai lại dệt tiếp nên những chuyện tình năm cũ, để trong lòng mỗi người luôn ấp ủ đến ngày phiên chợ Khâu Vai. Bạn hãy một lần trải nghiệm tại chợ tình Khâu Vai để hòa mình vào dư vị của tình yêu, lắng đọng cảm xúc qua những câu chuyện tình dù đẹp mà buồn nơi mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Chợ phong lưu Khâu Vai được xếp hạng Di sản văn hoá phi vật thể cấp tỉnh năm 2011.