GenAI góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng nghiên cứu trong giáo dục
GenAI (AI tạo sinh) là một công nghệ đột phá, có khả năng tạo ra các nội dung và ý tưởng mới như hội thoại, câu chuyện, hình ảnh, video, và âm nhạc. Công nghệ này được thúc đẩy bởi các mô hình lớn, huấn luyện trên khối lượng dữ liệu khổng lồ, thường được gọi là các mô hình nền tảng. Theo nghiên cứu vào năm 2023 của McKinsey Digital, 75% giá trị mà GenAI mang lại tập trung vào 4 lĩnh vực: hoạt động khách hàng, marketing bán hàng, kỹ thuật phần mềm và nghiên cứu phát triển.
GenAI mang lại tiềm năng to lớn để cải tiến và cá nhân hóa trải nghiệm học tập.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang yêu cầu những giải pháp đa dạng ứng dụng công nghệ GenAI trong nhiều lĩnh vực. Một ứng dụng nổi bật là chatbot và việc triển khai các hệ thống chatbot đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt từ giữa năm nay khi AI bắt đầu bùng nổ. GenAI sẽ giúp các doanh nghiệp quản trị và tối ưu chi phí.
Đối với GenAI AWS, chương trình sẽ hỗ trợ giáo viên trong việc soạn thảo tài liệu, bài giảng, và bài kiểm tra một cách nhanh chóng và sáng tạo, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng nội dung. Đồng thời, các hệ thống học tập thông minh do AI vận hành có khả năng cung cấp phản hồi tức thì, từ đó giúp người học cải thiện kỹ năng và kiến thức một cách hiệu quả hơn. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia giải pháp của AWS, cho rằng trong lĩnh vực giáo dục, GenAI mang lại tiềm năng to lớn để cải tiến và cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Bên cạnh đó, GenAI còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển bằng cách phân tích dữ liệu và đề xuất ý tưởng mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng nghiên cứu trong giáo dục.
“AWS cam kết tăng tốc quá trình chuyển đổi số trong giáo dục thông qua việc hợp tác với cộng đồng bao gồm người học, nhà giáo, nhà nghiên cứu, và các công ty công nghệ giáo dục. Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái giáo dục hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao trải nghiệm học tập và giảng dạy. Với sự hợp tác giữa các nhà cung cấp công nghệ và cộng đồng giáo dục, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai mà học tập được cá nhân hóa, sáng tạo và hiệu quả hơn” - ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Trên thực tế, dù GenAI đang được các doanh nghiệp và cộng đồng thích ứng, tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng khi sử dụng GenAI là độ chính xác của các câu trả lời. AI có thể mắc phải sai sót, gây ra những câu trả lời không chính xác hoặc không phù hợp. Các công cụ GenAI nổi trội hiện nay như ChatGPT hay Gemini của Google, Copilot của Microsoftđều đưa ra lời cảnh báo về về việc AI có thể gây sai sót và người dùng cần kiểm tra lại thông tin một cách cẩn thận. Do đó, vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp hay giải quyết vấn đề “ảo giác” của AI để có những thông tin, câu trả lời chính xác cho người dùng vẫn là những băn khoăn chung của nhiều doanh nghiệp khi cân nhắc ứng dụng GenAI. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc nên lựa chọn mô hình nào phù hợp nhất để sử dụng; làm thế nào thử nghiệm nhanh chóng và đánh giá hiệu quả; làm thế nào bảo vệ dữ liệu khỏi những rủi ro về an toàn và bảo mật…
Ông Vũ Đình Tuấn - Kiến trúc sư giải pháp tại Công ty Osam cho rằng, khi triển khai chatbot, các nhà phát triển có thể cấu hình hệ thống chỉ sử dụng dữ liệu nội bộ hoặc hạn chế truy xuất thông tin từ bên ngoài, giúp giảm thiểu các sai lệch thông tin. Bên cạnh đó, việc cải thiện hệ thống chatbot thông qua việc huấn luyện và tinh chỉnh, từ đó giúp nâng cao khả năng của chatbot theo thời gian. Như vậy, sẽ góp phần giúp giải quyết vấn đề hạn chế về độ chính xác thông tin, bảo mật thông tin, dữ liệu doanh nghiệp…
AI được đánh giá hỗ trợ rất lớn cho người dùng trong công việc. Báo cáo của Gartner vào năm 2023, GenAI được xem là một trong những đổi mới mang tính cách mạng nhất trong môi trường làm việc kỹ thuật số. Công nghệ này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 80% các công việc trong tương lai, đặc biệt là các công việc liên quan đến thông tin. Các công việc được hỗ trợ bởi GenAI thường đạt hiệu quả và chất lượng cao hơn, với năng suất trung bình được cải thiện hơn 30%.