Giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao
Nhận diện các hành vi lừa đảo
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ, số tiền thiệt hại rất lớn, khoảng 982 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác điều tra, khám phá các vụ án này còn nhiều hạn chế; hiện mới khởi tố 242 vụ - 04 bị can trong đó, chỉ khám phá được 02 vụ, 04 bị can.
Các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng rất gian xảo, thường lợi dụng sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cũng như tâm lý ngại va chạm với lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhà nước để lừa đảo, trục lợi. Các đối tượng thường giả danh cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, thuế, nhân viên bưu điện…) thông báo liên quan đến các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền; yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng cũng giả danh mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối rồi chiếm đoạt tài sản; hack các tài khoản mạng xã hội hội và giả làm người thân của bị hại thông qua các tài khoản Zalo, Telegram, Whatapp đã bị chiếm quyền quản lý để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định…
Một chiêu thức thường thấy nữa của các đối tượng lừa đảo là kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, tiki… để nhận hoa hồng; mời bị hại tham gia tuyển người mẫu ảnh nhí, sau đó hướng dẫn cho bị hại đăng ký mở tài khoản trên app rồi giao nhiệm vụ để thực hiện, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ phải chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng chỉ định, hứa hẹn sau khi xong thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản. Nhưng sau đó, khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp.
Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, thủ đoạn lừa đảo làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ trên mạng xảy ra nhiều nhất, chiếm đa số các vụ tiếp nhận. Phương thức thủ đoạn lừa đảo mới là đối tượng giả danh lực lượng chức năng; dùng phương thức thủ đoạn mới là gửi cho bị hại các đường link yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến, trang khai báo nộp thuế để thay đổi thông tin cá nhân. Sau đó, đối tượng xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Nhiều thách thức khi truy xét
Tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Người dân đã ý thức được loại tội phạm này và luôn mong muốn cơ quan công an phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm tội lừa đảo trên không gian mạng.
Theo Công an TP. Hồ Chí Minh, công tác điều tra khám phá, thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. Điều này là do đối tượng chính thực hiện hành vi phạm tội đứng ra tổ chức, điều hành khả năng là đối tượng nước ngoài câu kết với đối tượng có khả năng, trình độ công nghệ ở Việt Nam để thiết lập mạng lưới tổ chức hoạt động phạm tội. Các đối tượng xây dựng một hệ thống khá chặt chẽ, gồm nhiều nhóm; được giao thực hiện những nhiệm vụ khác nhau theo từng giai đoạn thực hiện hành vi, để tiếp cận, lôi kéo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại. Các nhóm này không quen biết nhau, không biết thông tin của nhau. Bọn chúng dùng các thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng, đơn vị viễn thông, ngân hàng để đăng ký sim, mở tài khoản ngân hàng… Bọn chúng sử dụng các số điện thoại di động không chính chủ, các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Viber, Telegram, Whatsap…), các trang web giả mạo để liên lạc với bị hại, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa.
Khi lực lượng chức năng truy xét theo dòng tiền, thì phát hiện đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên. Một số trường hợp đối tượng dùng chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng. Đối tượng rút tiền trong tài khoản do bị hại chuyển vào rất nhanh, cả khi bị hại chưa phát hiện, trình báo, gây khó khăn trong công tác truy xét, khám phá, thu hồi tài sản. Mặt khác, bị hại và đối tượng đều là những người hoàn toàn không quen biết nhau. Điều này dẫn đến bị hại không thể mô tả đặc điểm điểm nhận dạng, cung cấp thông tin lai lịch đối tượng nghi vấn cho cơ quan điều tra. Do đó, khó truy xét đối tượng theo các biện pháp nghiệp vụ truyền thống.
Một khó khăn nữa là cán bộ làm công tác phòng ngừa, đấu tranh thiếu kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác trong công tác đấu tranh phòng, chống và điều tra xử lý tội phạm công nghệ cao.
Giải pháp phòng chống
Tăng cường tuyên truyền cho người dân để nâng cao nhận thức, không tin theo lời nói của đối tượng để không bị đối tượng lừa đảo. Các cơ quan chức năng về công nghệ cao (như A05, A06, PA05, PA06) cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, tìm ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng sử dụng mạng xã hội, các đường link, trang web giả mạo tiếp cận, lửa đảo người dân.
Cơ quan công an khi tiếp nhận trình báo của bị hại, cần phối hợp với ngân hàng phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoàn mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét. Áp dụng ngay biện pháp kỹ thuật để định vị, truy bắt đối tượng, rà quét số imei, giám sát để truy xét nếu đối tuộng dùng điện thoại di động liên lạc với bị hại. Đặc biệt, tăng cường thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, tiến hành điều tra cơ bản những người làm công nghệ thông tin, sử dụng cộng tác viên danh dự là người am hiểu công nghệ thông tin.
Nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt các băng nhóm, đối tượng có dấu hiệu hoạt động lừa đảo, đối tượng có tiền án tiền sự về hành vi lừa đảo; đối tượng là người Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội; các đối tượng hoạt động mua, bán thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để có biện pháp đấu tranh, xử lý không để các đối tượng có hành vi vi phạm. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, điều tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, các mô hình kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử…
Trao đổi, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán nâng cao hiệu quả phối hợp để phát hiện sớm các dấu hiệu tội phạm. Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức đến khách hàng. Nghiên cứu sửa đổi quy trình, lấp các lổ hổng đăng ký mở tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy tờ tùy thân giả hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để mở tài khoản.
Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra loại bỏ sim rác, sim không chính chủ. Tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị như C02, A05, PA05 và các nhà mạng, đơn vị viễn thông, ngân hàng để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho quá trình đấu tranh với các loại tội phạm phát sinh trên không gian mạng. Bổ sung kiến thức lĩnh vực công nghệ thông tin cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.