Hà Nội cần các giải pháp quyết liệt giúp doanh nghiệp chuyển đổi số
Đó là một thực tế được chỉ ra tại tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội", do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức chiều 7/11 tại Hà Nội. Tọa đàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, với chủ đề "Công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024
DNNVV còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số
Trong quá trình CĐS tại DNNVV Hà Nội, lĩnh vực kế toán, thuế và khâu thiết kế được thực hiện CĐS mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Về vấn đề nguồn lực tài chính cho CĐS DNNVV tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS.
Quang cảnh tọa đàm.
Dựa trên khảo sát công bố vào tháng 9/2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên mẫu gần 10.000 doanh nghiệp, có thể thấy dịch COVID-19 đã tác động đến 87% trong số họ. Nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận sụt giảm lớn từ 50% đến 90% trong doanh thu so với trước đại dịch, một số DN thậm chí đã phải tạm ngừng sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, việc CĐS trở thành một giải pháp quan trọng và là một xu hướng không thể tránh được để DNNVV cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng hiệu suất sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hội nhập và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Mục tiêu 100% DNNVV nâng cao nhận thức về CĐS đến năm 2025
Theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, Hà Nội đã đặt mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu về CĐS và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Để đạt được điều này, thành phố đã phát triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp CĐS, với mục tiêu đảm bảo 100% DNNVV nâng cao nhận thức về CĐS đến năm 2025. Đổi mới nhận thức và tu duy của chủ doanh nghiệp là điều quan trọng và cần thiết, bởi họ là người thực hiện và chỉ đạo CĐS.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, tham luận tại Tọa đàm.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã tận dụng nguồn lực tài chính để hỗ trợ khoảng 100.000 DNNVV trong CĐS. Hỗ trợ này bao gồm việc cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, tư vấn, cung cấp các nền tảng số hóa và hỗ trợ tài chính cho việc mua hoặc thuê các giải pháp CĐS. Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử. Đây là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay.
Đối tượng mà Thành phố ưu tiên hỗ trợ là các DNNVV được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ đăng ký trụ sở chính trên địa bàn TP. Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ CĐS. Qua đó làm rõ những cơ hội và thách thức CĐS tại các DNVVV tại Hà Nội, từ đó khuyến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả của quá trình CĐS.
Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch và Đề án 4889 về "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025". Kế hoạch này bao gồm một loạt các nhiệm vụ và hoạt động để thúc đẩy sự CĐS cho các DNNVV. Các năm 2024 và 2025 sẽ tập trung vào triển khai các hoạt động cụ thể như truyền thông, tuyên truyền, nâng cấp phần mềm thu thập dữ liệu, chỉnh sửa tài liệu, cẩm nang, ấn phẩm và đảm bảo hiệu quả CĐS toàn diện và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp như đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực để đáp ưng CĐS. Đề án và kế hoạch nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp CĐS và thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp số tại TP. Hà Nội.
Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, CĐS hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để thúc đẩy CĐS tại DNNVV Hà Nội, các nhà quản lý và chuyên gia nhìn nhận cần có những giải pháp quyết liệt. Đó là, UBND Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp cụ thể thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý để đảm bảo DNNVV có đủ quyền và khuyến khích tham gia vào CĐS; Hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong quá trình CĐS có thể được thực hiện thông qua các biện pháp và chương trình như khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp; Hỗ trợ tài chính trực tiếp, chính sách thuế ưu đãi; Cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp DNNVV nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.